Chuyển đổi số được hiểu là quá trình thay đổi mô hình DN truyền thống sang DN số bằng cách áp dụng các công nghệ mới, nhất là công nghệ thông tin nhằm thay đổi phương thức điều hành, quy trình làm việc, văn hóa công ty.
Thống kê của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho thấy, số lượng DN vừa và nhỏ chiếm đến hơn 98% tổng số DN cả nước, song trình độ khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo còn hạn chế. Có đến 90% số máy móc sử dụng trong các đơn vị phải nhập khẩu, gần 80% là những công nghệ cũ.
Hiện nay, các DN nhận thức được việc thực hiện chuyển đổi số sẽ cải tiến năng suất lao động, tối ưu chi phí, nhưng nếu chỉ tư duy như vậy sẽ không thật sự hiệu quả. Bởi muốn thành công thì phải chuyển đổi toàn diện tất cả hoạt động của DN để sinh ra giá trị mới.
Mặt khác, các DN chưa có tiếng nói chung khi làm việc với các nhà cung cấp giải pháp công nghệ, nhất là hạn chế về tư duy, kiến thức trong chuyển đổi số do chưa được đào tạo bài bản trong lĩnh vực này. Bên cạnh những hạn chế về kinh nghiệm, kiến thức chuyển đổi số thì nguồn nhân lực để vận hành nền tảng công nghệ số mới cũng là một thách thức.
Cùng với đó, DN phải tiếp cận với nhiều thuật ngữ chuyên ngành từ nhà cung ứng các giải pháp công nghệ, dẫn đến gặp khó khăn ngay từ bước đầu và khả năng nắm vững công nghệ mới còn bỏ ngỏ nên các DN không dám mạnh tay đầu tư cho chuyển đổi số.
Khi Việt Nam gia nhập kinh tế số toàn cầu thì cơ hội cho các DN là rất lớn, song trụ cột nền kinh tế nằm ở khu vực DN với 98% có quy mô nhỏ và vừa vốn chưa hình dung cụ thể chuyển đổi số là gì, nên đây là điều đầu tiên cần phải giải quyết. Người đứng đầu DN cần hiểu và nắm được giá trị của chuyển đổi số để đưa vào chiến lược kinh doanh của đơn vị mình.
Hơn thế nữa, cả cộng đồng DN cùng chung một kế hoạch về kinh tế số và chuyển đổi số, thì lúc đó trụ cột kinh tế số mới phát huy hiệu quả tốt nhất. Chuyển đổi số không hề phức tạp và mất nhiều thời gian, DN có thể áp dụng hình thức chuyển đổi theo từng giai đoạn hoặc từng bộ phận nhỏ.
Hơn hết, DN phải xây dựng được quy trình vận hành tiêu chuẩn trước khi sẵn sàng số hóa mọi nghiệp vụ. Cùng với đó, các cơ quan quản lý cần có những chính sách phù hợp để mở hành lang pháp lý, chia sẻ dữ liệu giúp các DN cạnh tranh bình đẳng với nhau và hội nhập quốc tế.
Từ đầu năm đến nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 buộc phải thực hiện giãn cách xã hội, các DN đã nhận ra vai trò ngày một quan trọng của chuyển đổi số và tự phải "chuyển mình" để phù hợp với xu hướng này.
Về mặt thuận lợi đã có sự quyết tâm, chủ động của lãnh đạo Ðảng, Chính phủ sẵn sàng hỗ trợ, tạo điều kiện cho DN trên hành trình chuyển đổi số.
Song song với đó, cần đầu tư cho nguồn lực phục vụ chuyển đổi số, hay cung cấp một nền tảng huy động vốn, cũng như một hệ sinh thái đầy đủ mới có thể hy vọng các DN bước vững chắc trong xu thế mới toàn cầu.
Trong đó, điều quan trọng là cần đầu tư cho nền tảng kỹ thuật số dựa trên ba cấu phần: Hạ tầng cơ sở kỹ thuật số (máy điện toán, in-tơ-nét, mạng xã hội, các phương tiện truyền thông…); Cơ chế, quy trình để vận hành các cơ sở đó; Mô hình kinh doanh dựa trên nền tảng kỹ thuật số, thương mại điện tử.
Ngoài ra, DN cần nắm bắt được quy mô hạ tầng cơ sở của chính mình, mô hình kinh doanh để có thể định vị, từ đó đưa ra chiến lược đầu tư và chuyển đổi. Các nhà quản trị của DN cũng phải quyết tâm dần thoát khỏi mô hình kinh doanh truyền thống để đi vào mô hình kinh doanh trên nền tảng kỹ thuật số, từ đó đưa ra chiến lược đầu tư cụ thể vào công nghệ và nguồn nhân lực giúp DN bước vào giai đoạn phát triển mới.
Theo Ninh Cơ/Nhân dân điện tử