Với nghệ sỹ nhiếp ảnh việc có một tác phẩm được dự treo tại một triển lãm đã là vinh dự, nên việc Ninh Mạnh Thắng đã xuất sắc vượt qua nhiều tay máy tên tuổi để đăng quang tại triển lãm này cũng có thể nói là một sự kiện hy hữu. Bởi sân chơi này từ trước vốn chứng kiến sự lấn lướt (đôi khi là độc diễn) của những tay máy đến từ những trung tâm lớn như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh… Không nhiều những "tay máy tỉnh lẻ" chen chân vào được sân chơi này. Trong cuộc thi này, tỉnh Ninh Bình ngoài Ninh Mạnh Thắng còn có 5 tác giả có tác phẩm được trưng bày gồm: Duy Khang, Ngọc Khánh, Đoàn Minh Chiến, Vũ Đức Phương, Trịnh Huy Hùng.
Triển lãm ảnh toàn quốc chủ đề "Khám phá văn minh sông Hồng" thu hút sự tham gia của 286 tác giả với 2.902 tác phẩm thuộc 35 tỉnh, thành trong cả nước tham dự. Ban tổ chức đã xét chọn được 162 tác phẩm của 103 tác giả để trưng bày tại triển lãm, trong đó có 3 giải nhì, 3 giải ba, 10 giải khuyến khích. Việc không có tác phẩm giành giải nhất tại triển lãm cho thấy tính khắt khe trong yêu cầu về nghệ thuật của giải thưởng.
Tác phẩm "Chiều vàng Tam Cốc" của Ninh Mạnh Thắng
Giải thưởng này với Ninh Mạnh Thắng ngoài ý nghĩa ghi nhận và tôn vinh những sáng tạo nghệ thuật có giá trị của cá nhân nghệ sỹ còn có ý nghĩa đặc biệt đối với hoạt động du lịch của tỉnh bởi tác phẩm chụp phong cảnh của một địa danh du lịch nổi tiếng "Tam Cốc". Do vậy khi tác phẩm được vinh danh cũng đồng nghĩa với việc có tác dụng quảng bá mạnh mẽ cho du lịch Ninh Bình. Mặt khác việc triển lãm lần này tổ chức tại Hải Phòng gắn với sự kiện "Năm du lịch quốc gia đồng bằng Sông Hồng-Hải Phòng 2013" đã giúp cho triển lãm có một ý nghĩa chính trị đặc biệt. Không phải ngẫu nhiên mà triển lãm được tổ chức bởi Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Cục mỹ thuật nhiếp ảnh và triển lãm, Hội nghệ sỹ nhiếp ảnh Việt Nam. Chính tầm quan trọng của sự kiện đã thu hút sự quan tâm của nhiều nhà nhiếp ảnh tạo nên cuộc đua vô cùng khắc nghiệt về nghệ thuật.
Trở lại với việc tác giả Ninh Mạnh Thắng được trao giải (1 giải ba và 4 tác phẩm dự treo), có những điểm đáng lưu ý là tất cả những tác phẩm của anh vào giải không hoàn toàn do ngẫu nhiên hay ăn may mà nó là kết quả của quá trình sáng tạo không mệt mỏi. Tay máy họ Ninh từng giành được nhiều giải thưởng: tác phẩm Biển đợi (2008), giải Ba triển lãm ảnh Đất và Người Ninh Bình; tác phẩm Muối mặn lòng con (2010), giải khuyến khích triển lãm Gia đình Việt Nam ngày nay; tác phẩm Tìm về một triều đại (2013) giải Ba triển lãm Khoảnh khắc thành nhà Hồ; tác phẩm Hoa Lư giả cầm ca giải khuyến khích triển lãm ảnh nghệ thuật khu vực đồng bằng sông Hồng; tác phẩm "Nốt nhạc đồng quê" (giải khuyến khích); tác phẩm "Hương lúa Cố đô" (giải khuyến khích) cuộc thi: "Liên hoan ảnh, phim tài liệu và phóng sự về đất nước, con người trong cộng đồng ASEAN năm 2010"…
Trong giới nhiếp ảnh Ninh Bình, Ninh Mạnh Thắng là tay máy có cá tính và chịu lăn lộn. Hết chụp cảnh miền núi Hà Giang, anh lại rong ruổi vào tận Quảng Bình chụp cảnh núi đá cổ KanSart. Vừa thấy anh mang về mấy tấm ảnh chụp ở thành nhà Hồ xứ Thanh, thoáng cái anh đã đi Tây Nguyên chụp nhà Rông dân tộc, chụp cảnh hoa cà phê nở… Chính những chuyến du khảo bất tận ấy đã đem về cho Ninh Mạnh Thắng nhiều tác phẩm rất "độc".
Tuy nhiên Ninh Mạnh Thắng cũng từng tâm sự đề tài "tủ" của anh chính là cảnh sắc Ninh Bình. Sau cú "ghi điểm" ấn tượng trên, hiện Ninh Mạnh Thắng đang ấp ủ hoàn thiện bộ ảnh "Vẻ đẹp non nước Ninh Bình". Anh mong muốn thông qua tác phẩm của mình quảng bá được hình ảnh của quê hương đến với bạn bè toàn quốc. Và với một sự xác tín chân thành tôi tin là Ninh Mạnh Thắng có thể làm được.
Đức Bá