Cuộc đời ông trọn vẹn là một cuộc đời người lính Cụ Hồ, liên tục chiến đấu và chỉ huy chiến đấu từ kháng chiến chống Pháp đến kháng chiến chống Mỹ. Hồi nhỏ khi còn là một học sinh trường Tổng Sư, ông đã nổi tiếng là ham học, hiếu động.
Ông thường hy vọng sau này lớn lên sẽ trở thành một nhà khoa học của đất nước. Vậy mà khi đất nước có chiến tranh ông đã "Xếp bút nghiên theo việc binh đao". Tháng 8-1945, khi mới 19 tuổi, ông đã tham gia đội ngũ giải phóng quân chiến đấu giành chính quyền ở Yên Bái.
Trong kháng chiến chống Pháp, ông đã từng qua các cương vị chỉ huy cấp đại đội, tiểu đoàn thuộc trung đoàn 115 Phúc Yên, Trung đoàn 74 Cao Bằng và Trung đoàn 174 Cao - Bắc - Lạng. Ông đã tham gia hầu hết các chiến dịch như chiến dịch Thu Đông 1947, chiến dịch biên giới 1950…
Đến chiến dịch Điện Biên Phủ ông là Trung đoàn trưởng Tiểu đoàn 174, Sư đoàn 316. Ông đã chỉ huy Trung đoàn anh hùng của mình 3 lần tấn công đồi A1 và đặt quả bộc phá một tấn thuốc nổ phá tung hầm ngầm, diệt gọn một tiểu đoàn Âu - Phi. Chiến công đồi A1 là hiệu lệnh tổng công kích đợt 3 tiêu diệt toàn bộ tập đoàn cứ điểm làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ lẫy lừng ngày 7-5-1954.
Đã có nhiều tập sách, hồi ký, ghi chép, bài báo… viết về cuộc đời binh nghiệp và những chiến công trong chỉ huy chiến đấu của ông. Năm 2010, NXB QĐND tiếp tục cho ra mắt tập sách "Chiến trường mới" viết về ông.
Đây là một cuốn hồi ức ông kể lại, do nhà văn Nguyễn Tư Đương ghi. Sách dầy 304 trang, kèm nhiều bức ảnh kỷ niệm trong cuộc đời ông. Cuốn sách là một tư liệu quý, ông kể đầy đủ và chân thực đến từng ngày giờ, từng tên cán bộ, chiến sỹ của đơn vị mình.
"Chiến trường mới" đối với ông là chiến trường đánh Mỹ mà ông đã tham gia đến tận phút chiếm được dinh Độc Lập. Ông kể, ngày ấy ông đang chuẩn bị được đi học nước ngoài (ở Trung Quốc) thì lại được lệnh hoãn để đi nhận nhiệm vụ mới vào Quân khu 4 làm Tư lệnh Sư đoàn 325, gấp rút chấn chỉnh bổ sung vào miền Nam chiến đấu.
Sau đó đơn vị ông vào Tây Nguyên (B3). Tại chiến trường Tây Nguyên, ông đã chỉ huy đơn vị chiến đấu và chiến thắng giòn giã, tiêu biểu như những chiến thắng Plây-Me, I-a-Đrăng, chiến thắng sông Sa Thầy, chiến thắng Đắc - Tô I…
Sau Tết Mậu Thân (1968), ông về nhận chức tham mưu trưởng B3.
Tháng 8-1968 ông lại được lệnh ra Bắc nhận chức tham mưu trưởng Quân khu Hữu Ngạn. Chưa được bao lâu, tháng 1-1969, ông lại được lệnh về làm sư đoàn trưởng Sư đoàn 308.
Tháng 10-1969 Sư đoàn 308 được lệnh vào Nghệ An cùng lực lượng địa phương phòng thủ chuẩn bị đánh địch đổ bộ ra khu 4. Tháng 3-1970 đơn vị ông lại được lệnh vào chiến đấu ở Đường 9 - Nam Lào mà Sư đoàn 308 ở hướng chủ yếu. Tại mặt trận Khe Sanh, Đường 9, Quảng Trị đơn vị ông đã lập được nhiều chiến công vang dội…
Tháng 5-1974, ông được đi học ở Liên Xô. Dịp Tết 1975, trở về, ông lại tiếp tục nhận nhiệm vụ đi chiến đấu. Ông được nhận nhiệm vụ thay thiếu tướng Hoàng Văn Thái làm Quân đoàn trưởng Quân đoàn 2.
Đơn vị ông nhanh chóng vào chiến đấu tại mặt trận Trị - Thiên - Huế và đã mở màn chiến dịch giải phóng Trị - Thiên - Huế, kịp phối hợp với mặt trận Buôn Ma Thuột. Trong chiến dịch mùa xuân 1975 ông đề xuất phương án "Chiến đấu trong hành tiến" và đã được Quân ủy T.Ư đồng ý.
Thực hiện phương án "Chiến đấu trong hành tiến", Quân đoàn của ông đã hành quân thần tốc, vừa đi vừa chiến đấu tiến về Sài Gòn, góp phần giải phóng hàng loạt tỉnh miền Trung. Trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, Quân đoàn 2 của ông lại vinh dự được "Nổ súng mở màn chiến dịch", đánh thẳng vào hướng Đông Bắc Sài Gòn…
Ngày 24-4-1975, Quân đoàn 2 kết thúc cuộc hành quân thần tốc, từ Huế vào Sài Gòn... chuẩn bị tiến vào hang ổ cuối cùng của địch.
Quân đoàn ông đã vượt qua ba quân khu địch, gồm 11 tỉnh, 18 thị trấn, thị xã, mỗi ngày tiến hàng trăm cây số, trải 5 trận hiệp đồng chiến đấu cùng các địa phương bằng bộ binh, 3 trận hiệp đồng binh chủng cấp sư đoàn, 3 trận đánh tàu biển, 9 trận đánh máy bay, diệt tan sư đoàn bộ binh 2, lữ đoàn dù 2, 2 liên đoàn biệt động quân 24 và 31, 8 tiểu đoàn bảo an, 500 tên cảnh sát dã chiến, bắt sống 2.162 tên (có 2 cấp tướng), đánh chìm 4 tàu, làm thất bại chiến thuật "co cụm" của địch, mở thông đường số I từ Huế vào đến cửa ngõ Sài Gòn, sau đó phát triển vào nội thành cùng Quân đoàn 4 đánh chiếm dinh Độc Lập…
Ông cũng là người cùng Đại tá Sáu Trí (Sĩ quan Bộ tham mưu B2), Tô Văn Cang (Cụm tình báo A24) và Ba Lễ (H3 - điệp viên) soạn thảo bản "Thông báo số 1" của Bộ Tư lệnh Quân giải phóng Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định phát trên đài phát thanh vài giờ sau lời tuyên bố đầu hàng của Dương Văn Minh…
Hoàn thành nhiệm vụ, Quân đoàn 2 bàn giao dinh Độc Lập và những phố xá vừa giải phóng cho Quân đoàn 4 rồi lui về Thủ Đức. Quân đoàn 2 do ông làm tư lệnh chỉ huy là đơn vị được nổ súng mở màn chiến dịch, cũng là đơn vị tiến vào Sài Gòn sớm nhất Quân đoàn 2 đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.
Sau ngày đất nước hòa bình thống nhất, ông còn được Nhà nước và Quân đội giao cho những trọng trách lớn khác như Giám đốc Học viện lục quân, Giám đốc Học viện Quân sự cao cấp và được phong hàm Phó Giáo sư, được Hội khoa học lịch sử và Viện lịch sử đúc tượng đồng bày Bảo tàng tỉnh.
Đại tá, PGS, TS, Viện trưởng Viện Lịch sử quân sự Trịnh Vương Hồng đã viết về ông "Trong suốt 50 năm của cuộc đời binh nghiệp, trải qua các cấp chỉ huy chiến thuật, chiến dịch trong cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc, Thượng tướng Nguyễn Hữu An, người chỉ huy dạn dày trận mạc, có tư duy chiến thuật, chiến dịch sắc sảo, có khả năng nắm bắt đánh giá đối tượng tác chiến nhanh, trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng luôn giữ tinh thần chủ động, quyết định táo bạo, dám chịu trách nhiệm trước tổ chức về những quyết định chủ trương của mình.
Với những phẩm chất năng lực đúc rèn nên trong chiến đấu và công tác quý giá, ông đã cùng các đồng chí của mình chỉ huy binh đoàn giành những chiến công to lớn, có những chiến công làm xoay chuyển cục diện ở một chiến trường…".
Thiếu tướng Hoàng Đan, Phó Tư lệnh Quân đoàn 2 đánh giá ông là một vị tướng có đủ ba đức tính quan trọng nhất của một người làm tướng là "dũng cảm, mưu trí, gần gũi đồng chí đồng đội". Thiếu tướng Nguyễn Đồng Thoại, người cùng ông chiến đấu ở chiến trường Tây Nguyên, gọi ông là "Nhân tướng" ( vị tướng đầy tình yêu thương con người).
Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng đánh giá cao đạo đức của ông " Con người Nguyễn Hữu An là con người trung thực, chỉ huy rất kiên quyết nhưng rất mực dân chủ, yêu thương cán bộ, yêu thương đồng chí, được cấp trên, cấp dưới, đồng cấp, được cán bộ, chiến sỹ yêu mến và tin tưởng…."
Ông mất ngày 9-4-1995, thọ 69 tuổi.
"Chiến trường mới" là một tư liệu trung thực, quý giá về cuộc đời ông, về lịch sử kháng chiến và truyền thống của quân đội ta trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước và đặc biệt là chiến dịch lịch sử mùa xuân 1975. Chính vì thế cuốn sách trên đến nay đã tái bản tới lần thứ 3 với mỗi lần hàng nghìn bản…
Thanh Thản