Ông Nguyễn Văn Hồng, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin thành phố Ninh Bình là một trong những người gắn bó với tổ chức Hội và hội viên ngay từ những ngày đầu thành lập. Ông Hồng nhớ lại: Năm 2008, dời quân ngũ chưa được bao lâu, tôi vinh dự được lãnh đạo địa phương gặp gỡ, động viên tham gia công tác Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin thành phố Ninh Bình. Tôi sẵn sàng nhận nhiệm vụ mới nhưng không khỏi lo lắng vì nếu làm không tốt sẽ có lỗi với đồng đội của mình. Suy nghĩ đó đã nhắc nhở tôi hàng ngày về trách nhiệm của bản thân trong mỗi việc làm lớn nhỏ.
Khi Hội được thành lập, trong vai trò là Chủ tịch Hội, ông Hồng tập trung tìm hiểu nghiên cứu nắm vững chức năng, nhiệm vụ; tham mưu, đề xuất với chính quyền, các ngành chức năng thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với nạn nhân chất độc da cam/dioxin.
Đồng thời từng bước khắc phục khó khăn, thiếu thốn ban đầu, nhất là trụ sở làm việc, cơ sở vật chất, kinh phí hoạt động... Và đặc biệt sau mỗi chuyến đi thực tế thăm hỏi nạn nhân, sự khó khăn, bất hạnh của họ đã luôn thôi thúc ông phải tìm cách giúp đồng đội, giúp con, cháu họ dịu bớt phần nào nỗi đau trông thấy ấy.
Trước tiên là giúp đỡ, hướng dẫn thủ tục để các đối tượng đều được xét hưởng chế độ, chính sách theo quy định của Nhà nước. Sau đó, ông còn tìm mọi cách để kêu gọi, vận động sự quan tâm cả về vật chất và tinh thần từ các tập thể, cá nhân.
Chia sẻ về việc đi vận động quyên góp, ông Hồng nói: Việc tìm kiếm nguồn tài trợ không phải lúc nào cũng dễ dàng, nhất là những ngày đầu khi Hội mới ra đời còn ít người biết đến và tin tưởng chúng tôi. Có người vừa nhìn thấy đã vội quay mặt đi, lại có đơn vị thì chỉ hứa cho qua chuyện... Thậm chí nhiều lần chúng tôi phải cố gắng vượt qua sự tự ái cá nhân kiên trì vận động, thuyết phục tạo niềm tin.
Đến giờ sau 10 năm, đã có nhiều nhà hảo tâm tự tìm đến với Hội. Đó là dấu hiệu đáng mừng để chúng tôi tiếp tục cố gắng. Được biết từ ngày thành lập đến nay, Hội đã vận động và tiếp nhận hơn 4 tỷ đồng, chăm sóc, giúp đỡ cho gần 8 nghìn lượt gia đình nạn nhân.
Cùng với việc dành công sức kêu gọi cộng đồng chung tay xoa dịu nỗi đau da cam, ông còn trực tiếp chăm lo cho nhiều hoàn cảnh khó khăn của hội viên thông qua việc mở các lớp dạy nghề trồng hoa, trồng rau sạch và trồng nấm. Thu nhập mà hội viên có được từ các nghề này chưa phải là nhiều song đang từng bước giúp họ có thêm điều kiện cải thiện cuộc sống và nhất là giúp họ tự tin hơn vào khả năng của bản thân.
Trong cuộc hành trình chống chọi với nỗi đau da cam, không chỉ thụ động trông chờ vào sự trợ giúp của cộng đồng, các nạn nhân đã chủ động giúp đỡ, tương trợ, cùng nhau vượt qua khó khăn.
Ông Phạm Văn Nin là chi hội trưởng Chi hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin xã Định Hóa (Kim Sơn) đồng thời cũng là một nạn nhân đang trực tiếp gánh chịu hậu quả nặng nề của chất độc hóa học này. Nhưng dường như không muốn nhắc đến những khó khăn của bản thân, điều ông quan tâm hơn cả là làm thế nào để giúp đỡ được thật nhiều cho đồng đội của mình.
Ông kể: Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, xã Định Hóa có gần 400 thanh niên nam, nữ đi bộ đội, thanh niên xung phong. Kết thúc chiến tranh có hơn 40 đồng chí đã hy sinh tại chiến trường, còn lại là thương, bệnh binh, về hưu, xuất ngũ về địa phương, trong đó có nhiều đồng chí mang trong mình những căn bệnh hiểm nghèo do bị nhiễm chất độc da cam/dioxin.
Cuộc khảo sát thống kê năm 2011, xã có tới 125 người trực tiếp tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học, 40 người là con, cháu của họ bị di chứng bởi chất độc hóa học này. Hiện nay trong số họ đã có nhiều người được hưởng chế độ nhưng cuộc sống vẫn còn không ít khó khăn...
Khi chưa có tổ chức Hội, các nạn nhân như chúng tôi có nhiều trăn trở không chỉ bởi những khó khăn đang hiện hữu mà quan trọng hơn là về tương lai của con cháu mình... Nhưng từ khi Hội ra đời chúng tôi đã cảm thấy an lòng hơn rất nhiều, anh em được tụ họp trong một mái nhà chung, được trao đổi tâm tư, nguyện vọng chính đáng.
Đặc biệt để Chi hội thực sự phát huy vai trò chăm lo cho hội viên, với cương vị là chi hội trưởng tôi đã đi tới từng thôn, xóm để nắm đầy đủ thông tin của nạn nhân: trước hết là sức khỏe của họ thế nào, họ hoạt động ở chiến trường nào, rồi sinh con là dị dạng, dị tật ra sao và đời sống kinh tế, ăn ở như thế nào? Từ đó tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương có những biện pháp giúp đỡ cụ thể. Nhờ đó mà nhiều hộ đã được hỗ trợ mở các mô hình trồng cây thanh long kết hợp nuôi ong lấy mật, một số hộ lại chăn nuôi gia súc, gia cầm thu nhập từ 15-20 triệu đồng/năm.
Bản thân gia đình ông Nin cũng có 300m2 đất vườn trồng bí đao, mướp và hoa thiên lý xen canh, ngoài ra ông cũng chú trọng phát triển chăn nuôi cho thu nhập khoảng 10 triệu đồng/năm. Ông cho biết: nguồn thu nhập như vậy chưa phải là nhiều song lại rất đáng quý đối với điều kiện, hoàn cảnh của các nạn nhân.
Với tấm lòng nhân ái của mình, những người như ông Hồng, ông Nin đã và đang trở thành "cầu nối" góp phần giúp các nạn nhân từng bước hòa nhập cộng đồng, nỗ lực vươn lên trong cuộc sống.
Đào Duy