Dự án đầu tư xây dựng nhà máy Giày ReGis Việt Nam (tại xã Văn Phong, huyện Nho Quan) của Công ty TNHH ReGis có diện tích 14,62 ha với tổng vốn đầu tư 684,87 tỷ đồng đã hoàn thành giai đoạn 1. Đi vào hoạt động năm 2020, đúng thời gian dịch COVID-19 diễn biến phức tạp. Tuy nhiên, với sự nỗ lực của doanh nghiệp và sự hỗ trợ đồng bộ của các ngành, địa phương doanh nghiệp vẫn hoạt động sản xuất, kinh doanh khá ổn định. Năm 2021 doanh thu đạt 413,885 tỷ đồng, nộp ngân sách 0,44 tỷ đồng. 8 tháng năm 2022, doanh thu đạt khoảng 300 tỷ đồng.
Đại diện Công ty TNHH ReGis cho biết: Trong giai đoạn khó khăn khi cả thế giới bị ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch COVID-19, chúng tôi đã được tỉnh Ninh Bình hỗ trợ, tạo điều kiện để phòng chống dịch; tiêm phòng cho cán bộ, công nhân ngay tại nhà máy và địa phương; có sự hỗ trợ để đảm bảo cho lao động nước ngoài sang làm việc và các chính sách trợ giúp công nhân bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19; kịp thời thông quan hàng hóa xuất, nhập khẩu, hạn chế tình trạng tồn kho do khó khăn bởi dịch vụ logistic...
Từ những thuận lợi này chúng tôi đã quyết định đầu tư giai đoạn 2 tại Ninh Bình. Đây là dự án cho thuê nhà xưởng để thu hút dự án sản xuất phụ trợ cho ngành công nghiệp giày da trong nước. Hiện dự án đang triển khai 50% khối lượng. Chúng tôi hy vọng sẽ cùng với các doanh nghiệp khác trong tỉnh đóng góp nhiều hơn nữa vào sự phát triển của địa phương trong thời gian tới.
Có thể thấy, mặc dù nền kinh tế còn tiềm ẩn nhiều khó khăn, bất ổn nhưng các doanh nghiệp đã dần ổn định trở lại và tìm thấy các cơ hội đầu tư mới. Đặc biệt, sự quyết tâm của UBND tỉnh thông qua các chính sách hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp đã giúp cải thiện đáng kể môi trường đầu tư kinh doanh.
Theo báo cáo của các ngành chức năng, trong tháng 8, toàn tỉnh đã cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư lần đầu cho 1 dự án và cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư điều chỉnh cho 8 dự án, trong đó có 2 dự án trong KCN. Lũy kế 8 tháng năm 2022, tỉnh đã cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư lần đầu cho 14 dự án, cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư điều chỉnh cho 49 dự án, tăng 8 lượt dự án so với cùng kỳ năm 2021. Tổng vốn đăng ký bao gồm cả đăng ký mới và điều chỉnh tăng thêm là 5.036 tỷ đồng, tăng gấp 2,02 lần so với cùng kỳ.
Hoạt động đăng ký doanh nghiệp tiếp tục được duy trì. Trong tháng 8, đăng ký thành lập mới 73 doanh nghiệp và đơn vị trực thuộc (tăng 48,98% so với cùng kỳ) với tổng số vốn đăng ký đạt 256,5 tỷ đồng (giảm 17,96% so với cùng kỳ). Đây là mức tăng cao nhất kể từ đầu năm đến nay. Lũy kế 8 tháng năm 2022, đăng ký thành lập mới 825 doanh nghiệp và đơn vị trực thuộc (tăng 45% so với cùng kỳ) với tổng số vốn đăng ký đạt 4.407,46 tỷ đồng (giảm 56,2% so với cùng kỳ).
Mặc dù nền kinh tế vẫn còn tiềm ẩn nhiều yếu tố bất lợi nhưng trong tháng 8 cũng đã ghi nhận sự trở lại hoạt động của 264 doanh nghiệp và đơn vị trực thuộc, tăng 50% so với cùng kỳ. Các cơ quan chuyên môn cũng chấp thuận thay đổi cho 975 lượt doanh nghiệp và đơn vị trực thuộc, tăng 37 lượt so với cùng kỳ.
Có thể thấy, sau quãng thời gian 2 năm dịch liên tiếp, các doanh nghiệp quay trở lại và gia nhập mới đạt tỷ lệ cao là minh chứng cho việc nền kinh tế đang có dấu hiệu phục hồi theo hướng tích cực.
Để hỗ trợ các doanh nghiệp, thời gian qua, tỉnh Ninh Bình đã không ngừng đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, xúc tiến đầu tư có nhiều đổi mới và đạt được nhiều kết quả tích cực.
Đặc biệt đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh, các đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh định kỳ hàng tháng tiếp xúc, đối thoại trực tiếp với doanh nghiệp (vào thứ 5 của tuần cuối tháng) để trực tiếp nghe phản ánh, kiến nghị xem xét giải quyết, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đồng thời cung cấp, trao đổi thông tin, tạo sự thống nhất, đồng thuận trong lãnh đạo, chỉ đạo điều hành với quan điểm nhất quán là giải quyết nhanh, rõ, đúng pháp luật; góp phần tăng cường củng cố mối quan hệ giữa chính quyền các cấp với người dân, doanh nghiệp theo phương châm "chính quyền đồng hành, cầu thị, lắng nghe, tháo gỡ một cách thực chất các khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp".
Đánh giá về khả năng gia nhập thị trường của các doanh nghiệp, đồng chí Bùi Minh Đức, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho rằng: Nhìn thấy cơ hội, tin vào chính mình là động lực để doanh nghiệp quay trở lại thị trường. Tuy nhiên, quy mô của các doanh nghiệp mới có nhỏ đi so với trước. Điều này cho thấy vẫn có sự thận trọng nhất định với tình hình mới.
Do đó, để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, các cấp, ngành trong tỉnh cần tập trung thực hiện một số giải pháp trọng tâm để hỗ trợ cho cộng đồng doanh nghiệp bao gồm: Đảm bảo hoạt động lưu thông hàng hóa diễn ra bình thường, không bị đứt gãy; tìm kiếm, mở rộng thị trường xuất khẩu; hỗ trợ thuế, phí; tiếp tục vận động người lao động quay lại làm việc góp phần vào quá trình phục hồi kinh tế; có các chính sách phù hợp để các tổ chức tín dụng tập trung vốn và tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp cận vốn, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận gói hỗ trợ cho vay ưu đãi lãi suất 2% của nhà nước; triển khai nhanh các gói hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động trong "Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế" theo Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ kịp thời và hiệu quả.
Bài, ảnh: Nguyễn Thơm