Trong không khí thi đua phấn khởi đó, lực lượng TNXP kỷ niệm 60
năm ngày truyền thống của mình. Ngày 15-7-1950, trong khói lửa của cuộc kháng chiến chống thực dân
Pháp xâm lược, Bác Hồ đã chỉ thị cho Đoàn thanh niên cứu quốc Việt Nam tổ chức lực lượng TNXP tập
trung dài ngày phục vụ chiến dịch, lấy tên là đội TNXP. Quyết định ấy đã khai sinh ra lực lượng
TNXP Việt Nam, tại núi Hồng, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên, với 225 cán bộ, đội viên do đồng chí
Vương Bích Vượng, ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đoàn làm đội trưởng. Đơn vị đã phục vụ chiến
dịch biên giới, đã lập công xuất sắc, được Bác Hồ gửi thư khen, được Đại tướng Võ Nguyên Giáp biểu
dương vì đã nêu cao tinh thần xung phong, triệt để tuân theo kỷ luật chiến trường, hoàn thành xuất
sắc nhiệm vụ.
Từ đội TNXP đầu tiên của Trung ương, với sự quan tâm chỉ đạo của các cấp ủy Đảng và chính quyền các
địa phương, chỉ trong một thời gian ngắn, ở các tỉnh từ khu IV trở ra, các đơn vị TNXP ra đời làm
nhiệm vụ phục vụ chiến đấu, xây dựng các tuyến đường huyết mạch, xung kích phá bom nổ chậm, vận
chuyển vũ khí, lương thực ra mặt trận. Ngày 20-3-1951 Bác Hồ đã đến thăm đơn vị TNXP thuộc liên
phân đội 312 đang làm nhiệm vụ tại cầu Nà Cù, thôn Nà Tu, xã Cẩm Giàng, huyện Bạch Thông, tỉnh Bắc
Cạn và Bác đã tặng đơn vị TNXP đang làm nhiệm vụ 4 câu thơ:
"Không có việc gì khó
Chỉ sợ lòng không bền
Đào núi và lấp biển
Quyết chí ắt làm nên"
4 câu thơ ấy đã trở thành phương châm tư tưởng và hành động của lực lượng TNXP Việt Nam từ đó đến
nay. Trong thời kỳ chống Pháp TNXP đã tích cực mở đường, vận chuyển lương thực, vũ khí phục vụ các
chiến trường góp phần làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu.
Năm 1965, đế quốc Mỹ leo thang đánh phá miền Bắc, với khí thế sục sôi trong phong trào "3 sẵn sàng
ở miền Bắc", "5 xung phong ở miền Nam", kế thừa truyền thống TNXP do Bác Hồ sáng lập, giáo dục, rèn
luyện, hàng chục vạn nam, nữ thanh niên từ nông thôn đến thành thị, từ miền ngược đến miền xuôi,
nhiều người còn đang ngồi ghế nhà trường đã tạm gác bút nghiên ghi tên tình nguyện gia nhập lực
lượng TNXP với tinh thần "Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước", họ có mặt ở những nơi đầu sóng ngọn gió,
trên các cung đường, các trọng điểm địch đánh phá ác liệt, ngày đêm bám sát trận địa chiến đấu và
phục vụ chiến đấu, bắc cầu phà, rà phá bom mìn, mở đường, đảm bảo mạch máu giao thông, góp phần chi
viện cho tiền tuyến.
Trên tuyến lửa Quảng Bình và đường Trường Sơn huyền thoại đã có trên 40 nghìn TNXP của 15 tỉnh phía
Bắc cùng với lực lượng ngành giao thông vận tải, bộ đội công binh Đoàn 559 làm nhiệm vụ mở đường
Trường Sơn. Giữa rừng núi Trường Sơn trùng điệp, vượt qua nhiều sông suối, đèo cao, dốc đứng, hàng
vạn TNXP, trong đó có Đội 25 - đơn vị anh hùng có TNXP tỉnh Ninh Bình đảm nhận trên đường 20 quyết
thắng, các trọng điểm cua chữ A Chà Ang, ngầm Ta Lê, đèo Phu La Nhích ngày đêm địch thường xuyên
đánh phá Nhiều đoạn đường bị băm nát, cắt khúc, cầu phà bị sập, cây rừng cháy rụi, cuộc sống vô
cùng vất vả, thiếu thốn nhưng với tinh thần "Sống bám cầu, bám đường, chết kiên cường, dũng cảm",
TNXP đã chiến đấu ngoan cường với tinh thần địch phá ta sửa ta đi, địch cứ phá, ta cứ đi, đường lại
thông, xe pháo lại nối đuôi nhau hướng ra tiền tuyến chi viện cho chiến trường, góp phần giải phóng
miền Nam, thống nhất Tổ quốc.
Đường Trường Sơn, đường Hồ Chí Minh huyền thoại là một kỳ tích, kỳ công, kỳ quan do ý chí "Không có
gì quý hơn độc lập, tự do" của cả dân tộc, trong đó có lực lượng TNXP. Thành tích ấy đã được Đảng,
Nhà nước và nhân dân ghi nhận. Lực lượng TNXP đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực
lượng vũ trang. 2 đơn vị TNXP tỉnh ta là Đội 33 - 25 và C2 K53 vừa được Chủ tịch nước ký Quyết định
phong tặng danh hiệu Anh hùng.
Ở tỉnh ta, việc giải quyết chế độ, chính sách đối với cựu TNXP đã được Tỉnh ủy, UBND tỉnh và các
ngành quan tâm giải quyết. Từ năm 1999 đến nay đã có trên 2.534 lượt cựu TNXP được giải quyết chế
độ, chính sách, trong đó có 49 người được công nhận là liệt sỹ, 744 người hưởng chính sách như
thương binh, 1.879 người được hưởng trợ cấp một lần và thường xuyên, 101 con đẻ của cựu TNXP được
hưởng chế độ chất độc da cam, 2.040 người được cấp thẻ bảo hiểm y tế, 64 trường hợp qua đời được
hưởng mai táng phí.
Hôm nay, những TNXP trước đây đã là những cựu TNXP, có người còn mang trên mình thương tích, có
người cuộc sống còn khó khăn, vất vả. Song phẩm chất TNXP vẫn tỏa sáng, soi đường cho thế hệ trẻ và
con cháu nói theo, nhiều đồng chí về với đời thường đã trở thành tấm gương sáng trong phong trào
thi đua yêu nước, giúp nhau làm kinh tế, tham gia nhiều hoạt động nghĩa tình đồng đội, mẫu mực
trong cuộc sống, nhiều đồng chí tham gia công tác Đảng, đoàn thể ở cơ sở, là chỗ dựa tin cậy của
nhân dân và chính quyền địa phương.
Ngô Trọng Cảnh
(Chủ tịch Hội cựu TNXP tỉnh Ninh Bình)