Với nhiều hình ảnh, hiện vật và những câu chuyện kể xúc động của các nhân chứng
lịch sử, cuộc trưng bày được chia làm bốn nội dung Đối mặt với B52; Khách sạn
Hilton-Hà Nội; Ngày trở về và Xây đắp tương lai. Trong đó, phần trưng bày
"Đối mặt với B52" giới thiệu đến công chúng những hình ảnh đau thương
của Thủ đô Hà Nội và thành phố Hải Phòng trong trận chiến 12 ngày đêm khói lửa
khi phải hứng chịu những "trận mưa bom" của quân đội Mỹ. Nhưng đối lập
với hoàn cảnh ấy là những hình ảnh quân và dân Hà Nội, Hải Phòng kiên cường bám
trận địa, đánh trả máy bay B52 bằng một niềm tin chiến thắng mãnh liệt.
Ở nội dung "Khách sạn Hilton-Hà Nội," ban tổ chức tập trung giới thiệu
về những người làm công tác quản lý, chăm sóc, bảo vệ phi công Mỹ trong Trại
giam Hỏa Lò; chuyện về một số phi công Mỹ từng bị bắt giam tại Hỏa Lò như Trung
úy Hải quân Everett Alvarez Jr- phi công đầu tiên bị bắt ở miền Bắc và có thời
gian giam giữ lâu nhất tại Hỏa Lò; Trung tá Hải quân Walter Eugene Wilber, Hạ sỹ
Robert P.Chenoweth...
Ông Trương Minh Tiến, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, cho biết cuộc
trưng bày là dịp để người dân Việt Nam thêm tự hào vì đã lập nên một kỳ tích của
thế kỷ 20, làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ trên không...

Ông Robert P.Chenoweth, cựu phi công Mỹ, kể lại những ký ức trong thời gian sống tại Trại giam Hỏa Lò và các trại giam ở miền Bắc Việt Nam. (Ảnh: Đinh Thuận/TTXVN)
Cũng tại lễ khai mạc trưng bày, một số nhân chứng lịch
sử, người thân của các nhân chứng đã chia sẻ nhiều cảm xúc; trong đó Đại tá Lưu
Văn Hợp chia sẻ về những kỷ niệm trong thời gian làm việc tại Trại giam Hỏa Lò;
con trai Trung tá Hải quân Walter Eugene Wilber chia sẻ về lá thư cha mình đã
viết tại Trại giam Hỏa Lò gửi gia đình; ông Robert P.Chenoweth, cựu phi công Mỹ
kể lại những ký ức trong thời gian sống tại Trại giam Hỏa Lò và các trại giam ở
miền Bắc Việt Nam.
Ông Robert P.Chenoweth cũng trao một số hiện vật tặng Ban Quản lý di tích Nhà
tù Hỏa Lò.
Cuộc trưng bày diễn ra đến hết tháng 3/2018./.
Theo Đinh Thị Thuận/Vietnam+/TTXVN