Vào những năm tháng hào hùng và
gian khổ ấy, cùng với đồng bào và chiến sỹ cả nước, quân và dân Ninh Bình đã
giành mọi nguồn lực, công sức đóng góp cho chiến dịch Điện Biên. Hàng ngàn con
em Ninh Bình đã có mặt trong các đơn vị chiến đấu, trong các đoàn dân công hoả
tuyến có mặt khắp mọi nẻo đường cùng tiến về Điện Biên, cùng “khoét núi, ngủ
hầm, mưa dầm, cơm vắt/Máu trộn bùn non, gan không núng, chí không mòn”. Dù là
dân công, bộ đội, họ đều mang trong mình truyền thống cố đô anh hùng, bầu nhiệt
huyết cách mạng nguyện chiến đấu hi sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc. Những
ngày ấy cả Ninh Bình từ xứ đạo Kim Sơn đến vùng cao Nho Quan, từ thị xã tỉnh lỵ
đến các huyện Yên Khánh, Gia Khánh, Gia Viễn, Yên Mô đều hướng về Điện Biên
Phủ, cùng góp sức người, sức của cho chiến trường. Bài ca ra trận còn mãi ngân
vang, thôi thúc lòng người khi cùng tiến về Điện Biên “Bộ đội, dân công/trùng
trùng, điệp điệp/Chào nhau không kịp/Nhớ mặt nhớ tên…”.
Cả Ninh Bình cùng dốc sức cho
Điện Biên, Tỉnh uỷ, Uỷ ban kháng chiến tỉnh, các huyện, thị trong tỉnh, kể cả
vùng bị tạm chiếm đều thành lập Ban cung cấp mặt trận, huy động lương thực,
thực phẩm, thuốc men và các vật dụng thiết yếu khác phục vụ cho chiến trường,
bảo đảm cho bộ đội “ăn no đánh thắng”. Nhân dân các vùng tự do như Nho Quan,
Gia Khánh còn cử lực lượng thay nhau làm lán trại, kho tàng xây dựng và bảo vệ
an toàn tuyệt đối binh trạm tiền phương số 1 của Tổng cục cung cấp đặt tại Nho
Quan, để từ đây mọi yêu cầu của mặt trận Điện Biên kịp thời được đáp ứng. Trên
suốt tuyến đường 59, 12 ngược lên Tây Bắc những “quán quân nhân” lần lượt mọc
lên, được những người phụ nữ ngày đêm túc trực, đón tiếp, phục vụ những đoàn
quân trên đường ra trận. Dù một bát nước chè xanh, một bát cháo hành, một viên
thuốc cảm cũng làm ấm lòng những người lính trên đường hành quân.
Lực lượng vận tải chuyên nghiệp
của tỉnh được tăng cường, huy động tối đa phục vụ cho chiến dịch. Ngay từ đầu
năm 1954, toàn tỉnh đã tập kết trên 500 con thuyền lớn nhỏ gồm cả thuyền gỗ,
thuyền nan từ muôn nẻo các dòng sông trong tỉnh đổ về, nhận lệnh chở lương
thực, thực phẩm, quân trang, quân dụng cho chiến trường. Hàng trăm con thuyền
từ vùng tạm chiếm phải vượt sông vào ban đêm để che mắt địch bảo đảm bí mật, an
toàn. Trên bộ, đến giữa tháng 3-1954 đã có 400 xe bò, xe ngựa, 200 xe đạp thồ
được huy động. Vào thời điểm đó, tỉnh có 3 xe ô tô tải cùng với hàng chục xe ba
gác cũng được huy động phục vụ cho nhu cầu vận chuyển quân lương. Ngày đêm trên
suốt tuyến đường Chi Nê, Bãi Khoái, Suối Rút, Hoà Bình, các lực lượng vận tải
Ninh Bình từ ô tô, ba gác, xe bò, xe đạp cùng với các địa phương trong cả nước
ngày đêm vượt suối, băng rừng tiến vào Điện Biên. Hàng vạn những người con Ninh
Bình chẳng quản nắng cháy mưa rừng, đêm ngày vận chuyển gánh gạo, mang vác vũ
khí, đạn dược, thuốc men tiếp tế cho bộ đội. Những đội xe đạp thồ từ các huyện
trong tỉnh vượt suối băng đèo vận chuyển hàng trăm tấn gạo từ binh trạm tiền
phương số 1 ở Nho Quan lên tận dốc đèo Pha Đin không hề nghỉ ngơi, hầu hết các
xe đạp thồ từ 120 đến 150kg. Những ngày cuộc chiến diễn ra ác liệt, những chiếc
xe đạp thồ vừa chở gạo lên mặt trận lại chuyển thương binh về hậu phương. Ngày
đó ở binh trạm ngày đêm không có phút giây nào tĩnh lặng. Hàng trăm người có
tay nghề được động viên từ các địa phương lên đóng cối xay làm cối giã, kịp
phục vụ cho việc chế biến gạo, bảo đảm
đủ lượng gạo theo yêu cầu khẩn trương của chiến trường. Cảm động biết bao những
tấm lòng, những nghĩa cử của người dân Cố đô giành cho Điện Biên, giành cho
kháng chiến. Có biết bao gia đình còn phải ăn khoai, sắn, bữa vực, bữa vơi, vẫn
giành những cân thóc cuối cùng gửi ra mặt trận. Vào lúc cao điểm, chỉ trong một
ngày cả tỉnh đã huy động được 600 tấn gạo phục vụ cho chiến dịch Điện Biên.
Phong trào tòng quân, nhập ngũ
diễn ra sôi nổi, không ít lá đơn được viết bằng máu, có gia đình có cả bố con
cùng lên đường ra trận. Trong đoàn quân lên đường có cả những thanh niên theo
đạo từ vùng tạm chiếm Kim Sơn, Yên Khánh tìm cách lọt ra vùng tự do để đầu
quân. Hướng về Điện Biên diệt giặc dã thành lời hiệu triệu thiêng liêng thấm
đậm vào mỗi con tim tuổi trẻ. Chỉ tính 3 tháng đầu năm 1954, toàn tỉnh đã có
3.700 thanh niên nhập ngũ, trong đó 1.800 người bổ sung cho bộ đội chủ lực của
Bộ, gần 1.000 người vào bộ đội chủ lực quân khu, còn lại là bộ đội địa phương
của tỉnh. Vừa dốc sức phục vụ cho chiến dịch Điện Biên, vừa tập trung đánh địch
trên khắp địa bàn, tạo thế và lực làm suy yếu lực lượng của địch, không còn
điều kiện để tăng cường cho tập đoàn cứ điểm.
Các chiến sỹ quê Ninh Bình đã có
mặt ở nhiều đơn vị chủ lực trực tiếp tham gia chiến đấu ở Điện Biên như Đại
đoàn 351, Sư đoàn 312, Sư đoàn 304, Sư đoàn 316 và một số đơn vị chủ lực khác…
Không ít cán bộ, chiến sỹ đã có mặt ngay từ đầu băng rừng, vượt suối, khoét
núi, đào hầm hào, mở đường vào Điện Biên. Bác An Gia Phơn, đơn vị hậu cần Sư
đoàn 351, quê Ninh Xuân (huyện Hoa Lư), năm nay đã vào tuổi 82, xúc động kể
lại: Ngày đó, ở trong một đơn vị hậu cần, phần lớn anh em chúng tôi còn khá
trẻ, không biết mệt là gì, có khi thức trắng hàng chục đêm liền, nhận đạn dược,
vũ khí, lương thực do bạn chi viện suốt đêm trở về địa điểm tập kết. Dọc theo
dòng sông biên giới, đêm tối như mực, ngày sương phủ trắng trời, rét như cắt
ruột vẫn không ai nản chí, nao lòng. Giờ nghĩ lại mới thấy hết sức mạnh của
tuổi trẻ và khát vọng chiến thắng kẻ thù thật lớn lao. Theo bác Nguyễn Ngọc
Quán, Phó ban liên lạc chiến sĩ Điện Biên tỉnh, quê Văn Phương (Nho Quan) ngày
đó các chiến sĩ quê Ninh Bình đã có mặt ở những trận đánh sống mái với kẻ thù
như Bản Kéo, Him Lam, Đồi A1, Hồng Cúm, Mường Thanh… lập nhiều chiến công oanh
liệt. Không ít người đã ngã xuống trên chiến trường, có người đã để lại một
phần máu thịt của mình qua từng trận đánh. Trong số 418 chiến sỹ Điện Biên của
tỉnh hiện còn 255 người, người ít nhất đã vào tuổi 77, người cao nhất đã vào
tuổi 93. Nhiều người từ khi rời quân ngũ, vẫn giữ vững phẩm chất “Bộ đội cụ
Hồ”, vừa nêu cao truyền thống Điện Biên, tham gia tích cực vào các hoạt động xã
hội, nêu gương mẫu mực cho con cháu, cộng đồng.
Nhiều tấm gương cựu chiến binh là
chiến sỹ Điện Biên vẫn luôn ngời sáng bởi phẩm chất, bản lĩnh và nghị lực giữa
đời thường, tiêu biểu như bác Hồ Phạm Nguyên ở xã Đông Sơn (thị xã Tam Điệp)
năm nay đã qua tuổi 85 nhưng vẫn nhiệt tình trong công tác giáo dục truyền
thống cho thế hệ trẻ, tham gia tích cực các hoạt động xã hội ở địa phương. Kỷ
niệm 50 năm chiến thắng Điện Biên, bác đã có mặt trong đoàn đi xe đạp xuyên
việt, kỷ niệm 55 năm chiến thắng Điện Biên, bác đã cùng đồng đội vào tận chiến
trường Cà Mau xưa đưa 2 thi hài liệt sỹ trở về an táng trên đất mẹ Ninh Bình,
làm xúc động bao trái tim người. Bác Nguyễn Quang Năm, tổ 18 phường Trung Sơn
(thị xã Tam Điệp) người đồng đội của bác Hồ Phạm Nguyên năm xưa trên chiến
trường Điện Biên Phủ, trọn một đời tâm nguyện lời dạy của Bác “Bồi dưỡng lý
tưởng cách mạng cho thế hệ trẻ là một việc làm rất quan trọng và rất cần thiết”.
Từ ý tưởng đó, bác đã dày công sưu tầm những tư liệu về Bác Hồ, về Đại tướng Võ
Nguyên Giáp “vị đại tướng của nhân dân”, về chiến thắng Điện Biên Phủ, về
truyền thống quân đội nhân dân Việt Nam. Vào dịp những ngày kỷ niệm lớn của dân
tộc, bác lại đến nói chuyện với các tổ chức đoàn, học sinh các trường học, tạo
sự lan toả mạnh mẽ, phản hồi tích cực trong thế hệ trẻ, được cấp ủy và nhân dân
địa phương đánh giá cao. Bác An Văn Khánh sinh ra ở làng Phúc Sơn, xã Ninh
Tiến, huyện Gia Khánh, nay là thành phố Ninh Bình, năm 18 tuổi đã gia nhập quân
đội, năm 20 tuổi có mặt ở sư 312, trực tiếp chiến đấu ở chiến trường Điện Biên
Phủ, đánh Bản Kéo, Him Lam…cùng với đơn vị lập nên bao chiến công, tạo đà cho
quân ta tiêu diệt hoàn toàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Sau khi rời quân ngũ, người
chiến sỹ Điện Biên ấy vẫn nêu cao phẩm chất “Bộ đội cụ Hồ” vẫn say mê làm việc,
cống hiến vì Tổ quốc, quê hương. Những năm về già, với lòng kính trọng và sự
tri ân với Đảng, Bác Hồ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp kính yêu ông đã dồn mọi tâm
huyết sưu tầm tài liệu có giá trị về Điện Biên Phủ, về Bác, về Đại tướng.
Âm vang Điện Biên mãi trường tồn,
mãi lan xa, mãi khắc ghi trong tim mỗi người dân Việt Nam và bạn bè khắp mọi
miền thế giới. ở đó những người con Ninh Bình có đủ nam, nữ, trẻ già có mặt
trong các đoàn dân công hoả tuyến, thanh niên xung phong, bộ đội chủ lực, đã
hết lòng phục vụ, chiến đấu hy sinh, góp phần làm nên đài hoa chiến thắng, làm
nên mốc son lịch sử “vang dội năm châu, chấn động địa cầu”. Ninh Bình với Điện
Biên và chuyện những người lính trở về xin được nối vào bản trường ca nhiều
chương khúc tiếp tục ngân xa trong ngày kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên
Phủ.
Lê Liêu