Những ngày cuối tháng 5/2019, thấy lúa đã chín rộ, gia đình thuê máy gặt về để
thu hoạch lúa. Chỉ trong 1 ngày, từng bao tải thóc đã được chất đầy sân nhà,
tiện lợi vô cùng. Để phơi hết 1,3 tấn thóc vừa thu hoạch, chị Nga tận dụng
khoảng sân nhà rộng, chia ra thành từng luống, cứ nửa tiếng lại đảo thóc một
lần. Được nắng, hạt thóc vàng óng, cơm thơm.
Dưới cái
nắng chang chang, gia đình chị Lê Thị Tươi ở xã Quang Thiện cũng đang tất bật
thu hoạch nốt khoảnh ruộng cuối cùng. Chị Tươi cho biết: Hai vợ chồng tôi đều
đi làm công nhân ở Khu công nghiệp Đồng Hướng, ca kíp bận rộn nên đến bây giờ
mới thu xếp được công việc để thuê máy gặt về thu hoạch lúa.
Trong vụ, hai vợ
chồng tôi vẫn phân chia nhau dành thời gian để ra đồng theo dõi tình hình sinh
trưởng của lúa. Khi có khuyến cáo về sâu bệnh, tôi tranh thủ ngày nghỉ để bón
phân, phun thuốc phòng trừ sâu bệnh. Năm nay sâu bệnh ít hơn vụ trước, lúa phát
triển nhanh hạt mẩy, năng suất khoảng 2 tạ/sào.
Được biết,
từ cuối tháng 5/2019, bà con nông dân huyện Kim Sơn đã bắt đầu xuống đồng thu
hoạch lúa. Thời gian thu hoạch bị chững lại một vài ngày do mưa lớn trên diện
rộng, một số diện tích lúa bị gãy đổ. Tuy nhiên thời gian sau đó thời tiết nắng
ráo nên việc thu hoạch diễn ra nhanh chóng.
Đến nay, huyện Kim Sơn đã hoàn
thành việc thu hoạch lúa đông xuân 2018-2019. Năng suất lúa đạt 86,15 tạ/ha (vụ
đông xuân 2017-2018 đạt 86,07 tạ/ha). Sản lượng lúa toàn huyện đạt trên 55
nghìn tấn. Vụ đông xuân 2018-2019, huyện Kim Sơn gieo cấy gần 8.200ha lúa với
các giống lúa như: Bắc thơm số 7, LT2, TBR225, Nếp 97... Đây đều là các giống
lúa ngắn ngày, cho năng suất và giá trị kinh tế cao.
Xác định
sản xuất lúa đông xuân là vụ chính, quyết định đến năng suất, sản lượng cả năm
nên huyện Kim Sơn đã tập trung chỉ đạo, làm tốt khâu chuẩn bị sản xuất ngay từ
đầu vụ và công tác chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh trong vụ sản xuất. Huyện đã yêu
cầu các HTX nông nghiệp vận động nhân dân thực hiện tốt lịch thời vụ, thường
xuyên thăm đồng.
Các cán bộ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện
cũng thường xuyên phối hợp với Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Trạm Khuyến
nông tổ chức khảo sát, thăm đồng để nắm chắc tình hình sinh trưởng và phát
triển của cây lúa, kịp thời phát hiện sâu bệnh để có biện pháp phòng trừ.
Theo
Phòng Nông nghiệp huyện Kim Sơn, thực tế tình hình sâu bệnh hại lúa trong vụ
vẫn diễn biến phức tạp, tuy nhiên toàn huyện đã làm tốt công tác phòng trừ kịp
thời nên năng suất, sản lượng lúa được đảm bảo. Điển hình như hồi giữa tháng
tư, rầy và sâu cuốn lá phát triển mạnh.
Mật độ rầy phổ biến từ 1.000 - 1.200
con/m2, nơi cao từ 4.000 - 5.000 con/m2, cá biệt có ổ từ 7.000 - 1 vạn con/m2;
trứng sâu cuốn lá nhỏ lứa 2 phổ biến 70 quả/m2. Ngoài ra còn có biểu hiện của
bệnh khô vằn, bạc lá đốm sọc vi khuẩn, lùn sọc đen và chuột gây hại cục bộ trên
các diện tích lúa.
Khi nhận được tin báo của nhân dân, Phòng Nông nghiệp đã tổ
chức đi thăm đồng và tham mưu cho UBND huyện ra văn bản chỉ đạo, đôn đốc các
HTX nông nghiệp và đơn vị có liên quan tập trung thực hiện công tác phòng trừ
sâu bệnh. Nhờ đó, sâu bệnh hại lúa đã được phòng trừ kịp thời.
Như vậy, vụ
lúa đông xuân 2018-2019 tiếp tục là vụ lúa thắng lợi với bà con nông dân huyện
Kim Sơn. Hiện nay, huyện đang chuyển trọng tâm sang làm đất để phục vụ sản xuất
vụ mùa, mục tiêu đến ngày 25/7 hoàn thành gieo cấy toàn bộ diện tích lúa mùa.
Bài, ảnh:
Thái Học