Chị Đinh Thị Tâm, Chủ tịch CĐCS Công ty
nhớ lại: 10 năm trước, tôi bắt đầu chặng đường hoạt động công đoàn của mình
bằng việc chứng kiến và tham gia giải quyết những vụ ngừng việc tập thể tại
Công ty kéo dài trong nhiều ngày…
Khởi đầu khó khăn ấy lại chính là cơ
duyên để chị Tâm biết đến 3 chữ “dân vận khéo”. Chị tiếp lời: thời điểm đó Công
ty mới đi vào hoạt động, cả người lao động và người sử dụng lao động đều chưa
hiểu nhau, chưa tìm ra sợi dây liên kết nên mâu thuẫn là điều tất yếu. Nhưng
giải quyết mâu thuẫn ấy như thế nào thì thật sự không dễ dàng. Bản thân tôi lúc
đó cũng mới ngoài 20 tuổi, chưa có kinh nghiệm thực tiễn nên rất lúng túng. Khi
ấy, định hướng từ công đoàn cấp trên – “hãy lại gần công nhân hơn nữa và thấu
hiểu họ” đã giúp tôi vỡ vạc ra nhiều điều. Tôi bắt đầu làm “dân vận khéo”…
Chị Tâm dành nhiều thời gian hơn để
xuống nhà xưởng trò chuyện với từng công nhân và từ đó hiểu được đời sống của
họ thời điểm ấy gặp khá nhiều khó khăn khi tất cả các chi phí cho sinh hoạt đều
đã tăng nhưng mức lương thì chưa theo kịp. Những bức xúc ấy cộng với sự thiếu
hiểu biết về pháp luật đã dẫn đến hành động ngừng việc tập thể. Chị Tâm nhanh
chóng báo cáo lại với lãnh đạo Công ty về thực tế này và yêu cầu có được sự
chia sẻ nhiều hơn nữa và kịp thời hơn nữa với người lao động.
“Tôi nhớ, lúc ấy,
một hội nghị đối thoại giữa chủ doanh nghiệp và người lao động được tổ chức đã
giải quyết được rất nhiều vấn đề. ở đó có sự thấu hiểu và chia sẻ vì mục đích
chung là hướng đến sự phát triển bền vững của doanh nghiệp. Điều tôi vui hơn cả
là từ thời điểm đó, đời sống của người lao động trong Công ty liên tục được cải
thiện và những vụ ngừng việc tập thể đã không còn xảy ra”- chị Tâm kể lại.
Sau này, khi mọi thứ đã dần đi vào ổn
định, cũng chính chị Tâm là người lập nên 15 hòm thư góp ý đặt tại các chuyền.
Hàng tuần tổ trưởng công đoàn thu thập thông tin từ đó và phản ánh với Công
đoàn công ty để giải quyết kịp thời.
Ngoài ra, công đoàn còn tham khảo các chế
độ, chính sách của các công ty khác để bổ sung vào thỏa ước lao động tập thể
cho phù hợp với nguyện vọng và quy định mới nhất của pháp luật. Trong đó phải
kể đến việc tăng tiền cơm ca từ 15.000 đồng/người/bữa ăn lên 17.000
đồng/người/bữa ăn, điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng tăng trước thời hạn 2
tháng cho người lao động, tăng tiền trợ cấp thâm niên từ mức thấp nhất là
80.000 đồng lên 150.000 đồng và mức cao nhất là 800.000 đồng/tháng/người…
Cũng nhờ gần gũi với công nhân, chị Tâm
hiểu công việc bận rộn gần như chiếm hết thời gian của họ. Họ không có nhiều
thời gian và tiền bạc cho các hoạt động khác nên đời sống tinh thần khá nghèo
nàn. Do đó, không chỉ chăm lo về đời sống vật chất, CĐCS Công ty đã và đang
tích cực tham mưu cho doanh nghiệp chăm lo nhiều hơn nữa đến đời sống tinh thần
cho công nhân lao động thông qua các hoạt động thể dục thể thao, văn hóa văn
nghệ được tổ chức định kỳ và nhân các dịp lễ kỷ niệm lớn.
Tuy vậy chị Tâm cho rằng: ở đây nếu
hiểu dân vận chỉ là công tác vận động công nhân thì chưa hoàn toàn chính xác. ở
cơ sở điều tiên quyết nhất để đảm bảo cho người lao động được chăm lo tốt đó là
doanh nghiệp phải hoạt động sản xuất, kinh doanh có hiệu quả.
Do đó, song song
với việc tập trung chăm lo, bảo vệ quyền lợi cho khoảng 8.000 người lao động
đang làm việc tại đây, chúng tôi đã chú trọng tổ chức các phong trào thi đua
sôi nổi, thu hút được đông đảo công nhân tham gia, góp phần tăng năng suất lao
động, giúp doanh nghiệp hoàn thành tốt các đơn hàng. Qua đó đã tạo thiện cảm với
chủ doanh nghiệp và cũng là cách vận động hiệu quả nhất để họ quan tâm tới
người lao động.
Bên cạnh đó, CĐCS Công ty cũng đã xây dựng Quy chế phối hợp
hoạt động với người sử dụng lao động, trong đó có quy định ràng buộc trách
nhiệm của hai bên: Công đoàn có trách nhiệm gì trong xây dựng và phát triển
doanh nghiệp; doanh nghiệp cần quan tâm, tạo những điều kiện cơ bản nào cho
công đoàn hoạt động; khi có những hoạt động phải có sự trao đổi để thống nhất
thực hiện …
Sau nhiều năm làm “dân vận khéo” thành
công tại doanh nghiệp, chị Tâm chia sẻ: Hiện giờ chúng tôi làm dân vận trong
điều kiện có nhiều công cụ thông tin, truyền thông, có mạng internet... nhưng
vẫn không thể thiếu được sự sâu sát, trực tiếp lắng nghe, bàn bạc với người lao
động, cũng như chủ doanh nghiệp. Và theo tôi, đó mới là cái cốt của “Dân vận
khéo”.
Đào Duy