Chúng tôi
về xã Khánh Dương, địa phương có nhiều nét mới trong vụ đông xuân năm nay. Mặc
dù thời tiết những ngày gần đây có mưa phùn kèm rét buốt, ảnh hưởng không nhỏ
đến tiến độ sản xuất nông nghiệp, nhưng bà con nông dân vẫn cần mẫn ra đồng
chăm sóc, bảo vệ lúa, đảm bảo cho cây trồng sinh trưởng, phát triển tốt.
Đang
dặm, tỉa lúa gieo vãi ở cánh đồng Gốc Thần, bác Nguyễn Thị Hoa cho biết: Năm
nay gia đình tôi cấy hơn 1 mẫu lúa, trong đó 100% diện tích được thực hiện theo
phương thức gieo vãi. Nhờ sự quan tâm chỉ đạo của các cấp cộng với thời tiết
đầu vụ ủng hộ tạo điều kiện cho bà con đẩy nhanh tiến độ sản xuất.
Toàn bộ diện
tích vụ này gia đình tôi chỉ gieo trong 2 ngày, nhanh gọn, đảm bảo đúng kỹ
thuật và khung thời vụ. Gieo vãi có rất nhiều ưu điểm so với cấy truyền thống
nhưng nhược điểm duy nhất là tốn công dặm tỉa để cây trồng đảm bảo mật độ.
Nếu
hộ nào không dặm tỉa nhanh, lúa sẽ chuyển sang giai đoạn đẻ nhánh, ảnh hưởng
đến quá trình sinh trưởng, phát triển và năng suất cuối vụ. Vì vậy hiện nay dù
thời tiết không mấy thuận lợi, mưa phùn kèm theo rét nhưng gia đình tôi vẫn mặc
áo mưa xuống đồng dặm, tỉa bổ sung vào những chỗ khuyết rảnh, khuyết khóm.
Đại diện
lãnh đạo xã Khánh Dương cho biết: Vụ đông xuân năm nay Khánh Dương gieo cấy 332
ha lúa, chủ yếu là các giống lúa chất lượng cao, 100% diện tích lúa được thực
hiện bằng biện pháp gieo thẳng. Nhìn chung thời tiết đầu vụ tương đối thuận lợi
cho nhân dân gieo cấy.
Công tác lấy nước đảm bảo, làm đất tập trung. Do vậy bà
con nông dân gieo cấy nhanh gọn, đảm bảo theo đúng kế hoạch và thời vụ. Sau
gieo sạ, xã chỉ đạo 2 HTX nông nghiệp theo dõi, điều tiết nước hợp lý, tiến
hành chăm sóc, bón phân lân khi lúa đến tuổi.
Tuy nhiên thời gian gần đây do
ảnh hưởng của thời tiết, trời rét, nhiệt độ ban ngày và ban đêm chênh lệch nhau
nên lác đác có cây lúa bị chết. Số cây chết ít nên cũng không ảnh hưởng nhiều
đến mật độ của cây trồng. Hiện nay bà con đang tập trung làm cỏ, dặm tỉa, chăm
sóc cho toàn bộ diện tích.
Thời gian tới, xã chỉ đạo 2 HTX tiếp tục tập trung
cho công tác chăm sóc, theo dõi diễn biến của thời tiết, tình hình sâu bệnh để
có biện pháp xử lý kịp thời, phấn đấu giành vụ đông xuân thắng lợi.
Theo báo
cáo của phòng Nông nghiệp &PTNT huyện Yên Mô, vụ đông xuân 2016-2017, thời
tiết tương đối thuận lợi, cùng với sự chuẩn bị khá tốt các điều kiện phục vụ
sản xuất (làm đất, lấy nước, chuẩn bị giống, vật tư, phân bón…) tạo điều kiện cho bà con nông dân đẩy nhanh
tiến độ gieo cấy và hoàn thành kế hoạch sớm.
Điểm nhấn trong vụ đông xuân năm
nay tại Yên Mô là bà con nông dân đã tiếp tục chuyển đổi cơ cấu giống lúa theo
hướng mở rộng diện tích gieo cấy lúa chất lượng cao, lúa nếp các loại, góp phần
tăng giá trị thu nhập trên 1 ha đất canh tác.
Diện tích lúa chất lượng cao, lúa
nếp các loại chiếm 60,9% tổng diện tích, lúa thuần chiếm 25% diện tích, còn lại
diện tích lúa lai 14,1%.
Các xã có diện tích gieo cấy lúa chất lượng cao chiếm
tỷ lệ cao là: Yên Nhân (86,9%), Yên Mạc (89,4%), Yên Mỹ (82%), Khánh Thịnh
(79,5%)...
Bên cạnh đó, huyện Yên Mô cũng vận động, khuyến khích các xã đẩy
mạnh biện pháp thâm canh theo phương thức gieo vãi lúa. Đây là biện pháp đã
được nhân ra diện rộng ở nhiều địa phương trong huyện và trong tỉnh với nhiều
ưu điểm như: giảm công lao động, giảm chi phí, năng suất cao...
Do đó năm nay,
toàn huyện có 100% số xã, thị trấn áp dụng và mở rộng phương thức gieo vãi lúa
với tổng diện tích trên 4.100 ha, chiếm 62,2% diện tích. Nhiều địa phương có tỷ
lệ lúa gieo vãi đạt 100% như: Khánh Thượng, Khánh Dương, Khánh Thịnh. Nhìn
chung thời vụ gieo vãi gặp thời tiết thuận lợi nên lúa sinh trưởng và phát
triển tốt.
Sau gieo
cấy, huyện Yên Mô đã chỉ đạo các đơn vị và bà con nông dân tập trung ngay vào
công tác chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cho lúa. Đối với công tác điều tiết nước,
huyện chỉ đạo các đơn vị liên quan phối hợp chặt chẽ với nhau trong việc cung
cấp điện, bơm nước kịp thời theo yêu cầu sản xuất, không để ruộng bị hạn. Những
vùng lấy nước thuỷ triều, tranh thủ triều cường lấy nước vào đồng, những vùng
còn lại phải có biện pháp bơm bằng động lực.
Các xã, thị trấn căn cứ vào điều
kiện thực tế đơn vị mình chủ động tích trữ và điều tiết nước hợp lý theo yêu
cầu sinh trưởng của cây trồng, tạo điều kiện cho cây lúa đẻ nhánh sớm, đẻ nhánh
tập trung đạt số rảnh hữu hiệu cao.
Riêng đối với những vùng diện tích lúa gieo
vãi, giai đoạn cuối đẻ nhánh cần rút nước phơi ruộng từ 2-3 ngày để hạn chế đẻ
nhánh vô hiệu, sau đó đưa nước ruộng vào tạo điều kiện cho bộ rễ lúa ăn sâu
tăng khả năng hút dinh dưỡng và chống đổ.
Cùng với đó, huyện chỉ đạo các đơn vị
chuyên môn tập trung hướng dẫn cho bà con nông dân bón phân cân đối, bón đủ
lượng, bón đúng kỹ thuật theo quy trình hướng dẫn của các đơn vị chuyên môn để
lúa sinh trưởng và phát triển tốt, đạt năng suất cao.
Đối với
công tác phòng trừ sâu bệnh, ông Nguyễn Đình Phấn, Trạm trưởng Trạm Bảo vệ thực
vật huyện Yên Mô cho biết: Ngay từ đầu
vụ, huyện đã chỉ đạo các đơn vị tăng cường các biện pháp phòng trừ sâu bệnh,
tác nhân gây hại mùa màng bằng nhiều biện pháp: tuyên truyền các biện pháp
phòng, chống đối với từng loại sâu bệnh có khả năng phát sinh; tổ chức đánh
chuột; tiêu diệt ốc bươu vàng; theo dõi phòng trừ sâu bệnh...
Hiện nay, trên
đồng ruộng chưa xuất hiện các đối tượng sâu bệnh gây hại. Toàn huyện đã phát
động nhân dân tổ chức 2 đợt đánh chuột với lượng thuốc 400 kg thuốc hóa học
chết chậm.
Thời gian tới, huyện tiếp tục chỉ đạo các HTX Nông nghiệp duy trì tổ
dự thính, dự báo, tham mưu chỉ đạo phòng trừ kịp thời khi sâu bệnh đạt tới
ngưỡng gây hại, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do sâu bệnh gây ra.
Để bảo
đảm lợi ích cho người dân đầu tư vào sản xuất, tránh trường hợp mua phải thuốc
bảo vệ thực vật, phân bón giả, kém chất lượng, giá cả không hợp lý, Phòng Nông
nghiệp &PTNT, Trạm Bảo vệ thực vật phối hợp với các cơ quan chức năng, các
đơn vị tăng cường công tác kiểm tra cơ sở kinh doanh trên địa bàn n
Bài, ảnh:
Hồng Giang