Thực hiện Di chúc
của Chủ tịch Hồ Chí Minh, 50 năm qua Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Khánh
Thiện luôn phát huy tinh thần đoàn kết, vượt qua thử thách, giành được nhiều
kết quả quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế- xã hội. Đồng chí Phạm
Minh Xanh, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã cho biết: Thực hiện Di chúc thiêng
liêng của Bác, Đảng bộ xã đã tập trung thực hiện tốt Chỉ thị 05 của Bộ Chính
trị về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với
đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, tạo sức lan tỏa của hệ thống chính
trị và nhân dân trong việc phấn đấu hoàn thành các mục tiêu về xây dựng xã nông
thôn mới kiểu mẫu.
Năm 2018, Khánh Thiện tiếp tục quan tâm đầu tư xây dựng,
nâng cấp một số tuyến đường giao thông thôn, xóm, hệ thống kênh, mương, khuôn
viên các nhà văn hóa xóm, nghĩa trang liệt sỹ... từ nguồn ngân sách xã và sự hỗ
trợ của con em quê hương, tổng trị giá trên 2 tỷ đồng. Đồng thời, xã chủ trương
đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp và dịch vụ, du lịch, trong đó, tập
trung phát triển các nghề được coi là thế mạnh của địa phương như cây cảnh, làm
bún, bánh; thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phát triển chăn nuôi theo mô
hình gia trại, trang trại với các con nuôi có giá trị kinh tế cao như: chim bồ
câu, lợn rừng, chim cút, dế thương phẩm… Kết quả, thu nhập bình quân đầu người
năm 2018 đạt 37 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống chỉ còn 2,15%.
Khánh Thiện đang phấn đấu đến hết năm 2019, thu nhập bình quân đầu người đạt 55
triệu đồng/người/năm và không còn hộ nghèo.
Là huyện có thế
mạnh về nông nghiệp, Yên Khánh đã xác định lấy nông nghiệp là trọng tâm để phát
triển kinh tế- xã hội, ổn định đời sống nhân dân. Từ đó, nhiều chủ trương, chính
sách hỗ trợ nông nghiệp, nông dân được ban hành, phù hợp với tình hình thực
tiễn của địa phương, cho hiệu quả kinh tế cao như: Dồn điền, đổi thửa, xây dựng
cánh đồng mẫu lớn, tạo điều kiện thu hút doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nông
nghiệp… Sau 25 năm tái lập huyện (1994-2019), giá trị sản xuất trên 1 ha đất
canh tác của huyện đã tăng từ 18 triệu đồng lên 137,7 triệu đồng. Huyện cũng
chủ trương tăng cường thu hút đầu tư, tạo môi trường thuận lợi cho các doanh
nghiệp đầu tư vào khu, cụm công nghiệp trên địa bàn. Đến nay, trên địa bàn đã
quy hoạch 7 khu, cụm công nghiệp, trong đó 3 khu, cụm công nghiệp đã đi vào
hoạt động, giải quyết việc làm cho hàng chục nghìn lao động.
Cùng với tập
trung lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế, cấp ủy, chính quyền huyện Yên Khánh
còn quan tâm chăm lo đến đời sống văn hóa, tinh thần của người dân. Từ các
nguồn vốn, nhất là nguồn xã hội hóa, Yên Khánh đã xây dựng hệ thống đường giao
thông; các công trình như trường học, trạm y tế, hoàn thiện hệ thống nhà văn
hóa trung tâm huyện, xã, thôn, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa ngày càng cao
của người dân. Đến nay, 100% trường học, trạm y tế đạt chuẩn quốc gia; tỷ lệ
phòng học kiên cố đạt 90%. Những tuyến đường chật hẹp, lầy lội được thay thế
bằng đường bê tông, trải nhựa rộng rãi; những cây cầu tạm, nhỏ hẹp đã được thay
thế bằng những cây cầu bê tông chắc chắn, không chỉ phục vụ việc đi lại của
người dân mà còn đáp ứng yêu cầu CNH- HĐH nông nghiệp, nông thôn. Các lĩnh vực
văn hóa, xã hội đạt kết quả khá toàn diện. Sự nghiệp giáo dục và đào tạo được
cả xã hội quan tâm; nhiều năm liền, giành vị trí tốp đầu của tỉnh về chất lượng
giáo dục và kết quả các kỳ thi học sinh giỏi và thi tốt nghiệp trung học phổ
thông. Các hoạt động văn hóa, thể thao, phong trào xây dựng đời sống văn hóa ở
cơ sở được đẩy mạnh, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống và văn nghệ quần
chúng. Hiện nay, 19/19 xã, thị trấn và 265/268 thôn, xóm, phố có nhà văn hóa,
khu thể thao được sử dụng hoạt động thường xuyên, nhiều nhà văn hóa được lắp
đặt các dụng cụ thể thao để phục vụ nhân dân.
Những năm qua,
công tác an sinh xã hội luôn được huyện dành sự quan tâm đặc biệt. Yên Khánh đã
huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc triển khai các hoạt động hướng về người
nghèo, nhóm các đối tượng yếu thế trên địa bàn đồng thời triển khai đồng bộ các
giải pháp đảm bảo an sinh xã hội trên các lĩnh vực như: thực hiện tốt các chế
độ, chính sách ưu đãi của Đảng, Nhà nước đối với hộ nghèo, gia đình chính sách,
người có công và các đối tượng bảo trợ xã hội; vận động xây dựng quỹ “Đền ơn
đáp nghĩa và an sinh xã hội”; đào tạo nghề cho lao động nông thôn; giúp người
dân tiếp cận, thụ hưởng các dịch vụ y tế, chăm sóc sức khỏe…Qua đó, góp phần
đưa tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm xuống còn 2,15% năm 2018.
Sau 25 năm tái
lập huyện, kinh tế của huyện luôn duy trì tốc độ tăng trưởng cao và ổn định,
bình quân 13,5%/năm, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng công
nghiệp và dịch vụ; thu nhập bình quân đầu người năm 2018 đạt trên 37 triệu
đồng. Với sự phấn đấu không ngừng, Yên Khánh được công nhận là huyện đạt chuẩn
nông thôn mới năm 2018.
Thành quả của Yên
Khánh trong phát triển kinh tế - xã hội hôm nay là một trong những minh chứng
rõ nét nhất cho quyết tâm chính trị, đoàn kết một lòng với quan điểm việc gì có
hiệu quả, có lợi cho dân, cho nước thì quyết tâm làm và làm tới cùng, tiếp tục
thực hiện tâm nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Để đồng bào ai cũng có cơm ăn,
áo mặc, ai cũng được học hành”.
Thùy Phương