Mặc dù thiệt hại
kinh tế khá nặng nề với hộ chăn nuôi trang trại lợn do giá lợn rớt giá chạm đáy
trong năm 2017, nhưng gia đình chị Phạm Thị Uyên, hội viên Chi hội phụ nữ xóm 2
Thắng Động, xã Khánh Thượng không bỏ cuộc. Gia đình chị quyết tâm duy trì mô
hình chăn nuôi trang trại với 55 lợn nái, 300 lợn thịt, 200 lợn con, hàng trăm
con ngan, nuôi cá. Mô hình đã giúp gia đình chị Uyên ổn định kinh tế gia đình.
Chị Phạm Thị Uyên cho biết: Thực hiện xây dựng mô hình dân vận khéo “Vận động
hội viên phụ nữ tích tụ ruộng đất phát triển kinh tế gia đình” của Hội phụ nữ,
gia đình tôi đấu thầu đất từ dồn điền, đổi thửa được 3ha, bắt tay đầu tư xây
dựng chuồng trại nuôi lợn quy mô lớn, hiện đại, lợn thả nuôi theo ô chuồng, đảm
bảo thoáng mát, sạch sẽ, có hầm biogas chứa chất thải... Đồng thời, gia đình
tận dụng ao làm mát chuồng nuôi cá, nuôi thêm ngan và trồng lúa. Được vay từ
nguồn vốn “Hỗ trợ hội viên phát triển kinh tế” và vay vốn ưu đãi của ngân hàng,
năm 2018, gia đình tôi xây dựng thêm 1 chuồng nuôi khoảng 500 con lợn nái,
thịt. Vốn đầu tư trang trại hơn 2 tỷ đồng. Thu nhập hàng năm từ mô hình chăn
nuôi khoảng 1 tỷ đồng, trừ chi phí lãi 200-300 triệu đồng.
Đối với chị Ninh
Thị Mừng, ở chi hội phụ nữ xóm 1 Lam Sơn lại chọn mô hình kinh tế VAC tổng hợp
với cây trồng chủ lực cây bưởi da xanh để đầu tư. Năm 2017, gia đình chị đầu tư
thêm 100 hốc bưởi da xanh trồng trên 1ha vườn. Chị Mừng cho biết: Gia đình tôi
đấu thầu được hơn 2 ha đất sản xuất, ngoài đầu tư nuôi 400-500 vịt đẻ trứng,
vài tấn cá và 100 gốc bưởi da xanh F1 đã cho hiệu quả kinh tế cao, đầu ra dễ
tiêu thụ. Hiện thu nhập bình quân từ mô hình VAC cho lãi 70 triệu đồng/năm.
Không chỉ chị
Uyên, chị Mừng, hiện nay trên địa bàn xã Khánh Thượng có hàng chục mô hình kinh
tế tổng hợp có giá trị cao do phụ nữ đứng chủ. Đồng chí Ngô Thị Duyến, Chủ tịch Hội phụ nữ xã Khánh Thượng
cho biết: Hội phụ nữ xã có 1.453 hội viên sinh hoạt ở 16 chi hội. Để hoạt động
Hội thu hút đông đảo hội viên tham gia, Hội đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền
và đưa nhiều giải pháp giúp hội viên phát triển kinh tế. Phối hợp với Ngân hàng
chính sách xã hội huyện, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện
tạo điều kiện cho phụ nữ vay vốn phát triển kinh tế gia đình; chỉ đạo tổ trưởng
tổ vay vốn hướng dẫn các hộ sử dụng vốn hiệu quả, đảm bảo an toàn các nguồn
vốn. Hiện nay, tổng số vốn Hội quản lý cho vay trên 74 tỷ đồng, trên 1.600 hộ
vay từ 11 tổ vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội, 16 tổ vay vốn Ngân hàng Nông
nghiệp và PTNT và vốn Quỹ quay vòng. Nguồn vốn do Hội ủy thác luôn vượt chỉ
tiêu, hiệu quả nguồn vốn được đảm bảo.
Cùng với đó, Hội
thường xuyên tổ chức định hướng sản xuất, kinh doanh, tập huấn, tư vấn kiến
thức cho hội viên trong phát triển kinh tế hộ. Năm 2017, Hội phối hợp với HTX
nông nghiệp tổ chức 9 lớp tập huấn chuyển giao KHKT gieo cấy, chăm bón, phòng
trừ sâu bệnh cho lúa vụ đông xuân, vụ mùa; cách sử dụng đạm, phân lân, kỹ thuật
gieo vãi; phòng chống cúm gia cầm, chăn nuôi gà rilai với trên 1.700 lượt hội
viên dự.
Hội Phụ nữ xã còn
nhiều mô hình hỗ trợ nhau phát triển kinh tế hộ đạt hiệu quả cao thông qua
chương trình “Vận động hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế bền vững và nâng cao
chất lượng cuộc sống”; xây dựng mô hình dân vận khéo “Vận động hội viên phụ nữ
tích tụ ruộng đất phát triển kinh tế gia đình”. Đồng thời, Hội duy trì, nhân
rộng mô hình dân vận khéo thu gom, xử lý bao bì thuốc bảo vệ thực vật sau sử
dụng, đảm bảo vệ sinh môi trường sản xuất cũng như môi trường sống. Hội đã vận
động xây dựng 52 bể chứa bao bì thuốc bảo vệ thực vật trị giá 10 triệu đồng tại
HTX nông nghiệp Tây Thượng; duy trì 2 mô hình dân vận khéo “Vận động hội viên
phụ nữ tích tụ ruộng đất phát triển kinh tế gia đình”.
Từ những hoạt
động cụ thể, thiết thực của Hội Phụ nữ xã không chỉ giúp chị em thay đổi cách
nghĩ, cách làm mà còn phát huy khả năng sáng tạo của mỗi hội viên trong sản
xuất, kinh doanh, giúp nhiều hội viên thoát nghèo và vươn lên làm giàu chính
đáng, góp phần xóa đói, giảm nghèo. Đến cuối năm 2017, Hội Phụ nữ xã Khánh
Thượng còn 53 hội viên nghèo, chiếm trên 3%.
Đồng chí Chủ tịch
Hội Phụ nữ xã Khánh Thượng cho biết thêm: Từ thực tiễn quá trình vận động hội
viên phụ nữ phát triển kinh tế địa phương, chúng tôi nhận thấy hỗ trợ về vốn,
kỹ thuật là những cách làm mang lại hiệu quả thiết thực nhất, được đông đảo hội
viên hưởng ứng thực hiện. Thời gian tới, Hội tiếp tục tạo điều kiện cho hội
viên tham quan, học hỏi thực tế những mô hình kinh tế mới, hiệu quả của chị em
phụ nữ những địa phương lân cận. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nhân rộng
những mô hình kinh tế hiệu quả của hội viên trong xã. Phấn đấu mỗi năm Hội giúp
từ 3 hội viên trở lên thoát nghèo.
Bài, ảnh: Tiến
Minh