Cuộc cách
mạng 4.0 đang tác động mạnh mẽ đến tất cả các khía cạnh của đời sống xã hội và
các ngành kinh tế, làm thay đổi mô hình hoạt động của nhiều lĩnh vực đời sống:
Y tế, giáo dục, nông nghiệp… và du lịch cũng không ngoại lệ. Smart Tourism – du
lịch thông minh là một thành phần trong đô thị thông minh, sử dụng công nghệ
thông tin và truyền thông để hình thành hệ sinh thái du lịch và tạo lợi ích
tương hỗ giữa 3 đối tượng: du khách, chính quyền và doanh nghiệp; xây dựng
ngành du lịch chất lượng cao phục vụ du khách, thúc đẩy, đóng góp vào việc phát
triển kinh tế bền vững.
Ông Đinh
Quang Tấn cho hay: Trên thế giới có 87% số người đi du lịch đang
sử dụng smartphone (điện thoại thông minh), thì ở Việt Nam cũng đang có tới 75%
người dùng điện thoại thông minh. Xu thế này còn tăng rất nhanh khi công nghệ
thay đổi đến chóng mặt. Đây quả là con số lý tưởng cho việc triển khai hệ thống
“Cổng thông tin du lịch và ứng dụng du lịch thông minh trên thiết bị di động”
do VNPT phát triển tại tỉnh Ninh Bình. Việc phát triển Smart Tourism không chỉ
đáp ứng nhu cầu của khách du lịch, doanh nghiệp kinh doanh du lịch và còn là
kênh thông tin rất hữu hiệu cho các cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động du
lịch (Giao thông, Y tế, Công an, Thuế,…).
Trước “lợi
ích kép” đó, nhất là từ khi có Nghị
quyết số 08-NQ/TW về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và Chỉ
thị 16/CT-TTg về việc tăng cường năng lực tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp
4.0, trong đó nêu rõ yêu cầu đẩy mạnh phát triển du lịch thông minh, thoả thuận
hợp tác giữa Tổng cục Du lịch và Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam ký ngày
22/11/2017 về việc tăng cường quảng bá hình ảnh du lịch Việt Nam đến du khách
thông qua dịch vụ, đồng thời cung cấp các giải pháp về viễn thông – công nghệ
thông tin cho các đơn vị trực thuộc Tổng cục Du lịch, Sở Du lịch, các Doanh
nghiệp du lịch và đối tượng khách du lịch xa gần.
Trước xu
thế này, Sở Du lịch giao Trung tâm Xúc tiến Du lịch triển khai thực hiện hệ
thống du lịch thông minh nhằm thúc đẩy sự phát triển của ngành Du lịch, đón đầu
cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 tại tỉnh Ninh Bình - địa phương đang nổi lên là “địa
chỉ đỏ” về “tài nguyên và điểm đến” về du lịch của cả nước trong vài năm gần
đây
Theo đó,
lợi ích giải pháp du lịch thông minh đang triển khai ở Ninh Bình cho 3 đối
tượng sẽ là: Về phía Cơ quan quản lý nhà nước thì tăng hiệu quả quản lý ngành
du lịch, bảo đảm an ninh trật tự, điều hành toàn diện hoạt động. Cùng với đó,
Smart Tourism là kênh quảng bá du lịch hướng tới phát triển thị trường quốc tế
với chi phí cực rẻ so với các kênh thông tin khác. Smart Tourism còn giúp “lọc”
nắm bắt được số liệu về du lịch, từ đó có thể dự báo, xu hướng và đưa ra quyết
định chính xác có thể tạo tính đột phá cho ngành du lịch.
Đối với du
khách, du lịch thông minh sẽ giúp hỗ trợ đắc lực trong trải nghiệm hành trình
du lịch; tra cứu bản đồ tương tác với thông tin chính xác về các địa điểm du
lịch; đặt dịch vụ khách sạn, nhà hàng dễ dàng; giúp tiết kiệm thời gian, chi
phí cho du khách. Bên cạnh đó khuyến khích tương tác trao đổi thông tin, phần
mềm Smart Tourism còn mở rộng cơ hội kinh doanh, quảng bá, góp phần tăng doanh
thu cho các đơn vị kinh doanh, tạo liên kết chuỗi, phát triển chuỗi sản phẩm
dịch vụ du lịch hoàn chỉnh... được hướng tới sự khác biệt nổi trội, an toàn,
thân thiện.
Về phía
doanh nghiệp du lịch, đặc biệt, với thời đại hội nhập toàn cầu, Smart Tourism
là “cánh tay nối dài” không giới hạn về không gian, địa lý, thời gian khi quảng
bá sản phẩm, tạo liên kết chuỗi, phát triển các dịch vụ du lịch hoàn chỉnh mở
rộng cơ hội kinh doanh, với chi phí
quảng cáo rất rẻ so với các kênh thông tin khác. Các doanh nghiệp du lịch sử
dụng phầm mềm quản lý nhà hàng, khách sạn có thể liên kết báo cáo các cơ quan
quản lý thuận tiện, nhanh chóng, tiết kiệm thời gian trong khâu thủ tục hành
chính, pháp lý...
Trao đổi
với đồng chí Phạm Duy Phong, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến du lịch (Sở Du lịch),
đồng thời cũng là thành viên Ban chỉ đạo xây dựng hệ thống du lịch thông minh
tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2018-2020, chúng tôi
được biết, giai đoạn đầu, Ninh Bình tập trung vào các nội dung chính
như: Xây dựng cổng thông tin du lịch và ứng dụng du lịch thông minh trên thiết
bị di động; số hoá dữ liệu ngành du lịch và kết nối cơ sở du lịch chung với các
lĩnh vực của các sở, ban, ngành; xây dựng kho dữ liệu về du lịch; truyền thông
SMS dựa trên vị trí; wifi công cộng miễn phí cho khách du lịch tại các điểm du
lịch...
Cũng theo
đồng chí Phạm Duy Phong, Trung tâm Xúc tiến Du lịch sẽ là đầu mối cung cấp các
thông tin liên quan để VNPT Ninh Bình xây dựng hệ thống dữ liệu chương trình du
lịch thông minh. Việc triển khai xây dựng đang tích cực, phấn đấu đến 31/3/2018
sẽ cập nhật được 100% về điểm du lịch, nhà hàng, khách sạn lưu trú, tour du
lịch đối với dữ liệu Sở Du lịch đang quản lý, các dữ liệu khác (bổ sung) sẽ cập
nhật trong quá trình sử dụng khi có sự thẩm định của Sở Du lịch.
Cùng với
đó, Ban chỉ đạo xây dựng hệ thống du lịch thông minh tỉnh Ninh Bình giai đoạn
2018-2020 sẽ tổ chức tập huấn chuyển giao kỹ năng quản trị và cập nhật trên hệ
thống cổng du lịch cho các đơn vị chức năng của Sở Du lịch Ninh Bình. Phấn đấu
đến hết 30/4/2018 hoàn thành và bước đầu đưa vào sử dụng chính thức Cổng thông
tin du lịch và ứng dụng du lịch thông minh trên thiết bị di động giai đoạn 2018
- 2020.
Ninh Bình
triển khai thực hiện chương trình du lịch thông minh trong công tác xúc tiến
quảng bá du lịch là cơ hội để tận dụng thành công cuộc cách mạng công nghiệp
lần thứ 4 mang lại, biến lợi thế thành giá trị phát triển thông qua việc thúc
đẩy sự chuyển đổi số mạnh mẽ, tăng cường năng lực về công nghệ ngành du lịch
Ninh Bình cho phù hợp với xu thế phát triển mới. Đồng thời tạo ra những sản
phẩm du lịch hiện đại để phục vụ nhu cầu của khách du lịch trong nước và quốc
tế.
Bài, ảnh:
Minh Đường