Đến bây giờ sau mấy mươi năm quăng thân vào
phố thị, tôi và những bạn bè lứa chúng tôi chẳng còn ai nhắc đến chuyện phải lo
sinh kế cho cả nhà vào mỗi độ tháng ba nhưng vẫn nhớ về nó với một mối hoài cảm
đau đáu. Thương quê nghèo, ngày ấy, mỗi độ tháng ba về cả làng rủ nhau lên mạn
ngược, vào bản của người Mường, người
Thái mua từng cân sắn về làm món độn lót lòng cho qua thì đói. Nhưng không phải
thứ sắn trắng tinh, thơm ngon mà mấy “cậu ấm cô chiêu” vẫn thường ăn như một
thức quà vặt. Món sắn đã nuôi cả làng tôi qua những ngày đói khát là thứ sắn
gạc hươu. Sở dĩ có có cái tên mỹ miều như vậy vì đây là củ sắn được bà con vùng
cao mang về, ăn không hết thì đem gác lên gác bếp, khói bếp, bồ hóng lâu ngày
làm củ sắn khô lại, quắt queo như chiếc sừng hươu vì vậy người vùng xuôi mới
gọi là sắn gạc hươu. Thứ sắn ấy đắng nghét, chát bứ và ám mùi khói bếp ấy đã
nuôi lũ chúng tôi qua thì đói. Cả thế hệ chúng tôi có đứa nào không phải trải
qua bữa cơm độn sắn, ngô. Từ quê mùa rơm rạ, chúng tôi lớn lên. Điều duy nhất
chúng tôi tự hào là dù lớn lên trong bữa cơm toàn khoai sắn ấy, những đứa trẻ
chúng tôi chắng đứa nào nghiện ngập, phạm pháp, bao nhiêu năm xa quê, bạn bè cũ
vẫn nhớ về nhau, đối đãi với nhau chí nghĩa chí tình.
Tôi còn nhớ mãi
một lần, cũng vào độ tháng ba, khi những ngọn gió đồng hanh hao, thổi man mác
khắp bờ tre gốc rạ, trong bữa cơm chiều của đại gia đình, tự nhiên mẹ tôi òa
khóc. Cái vui mừng của nỗi viên nguyện với lũ cháu con ngày sum họp khiến bà
chạnh lòng nhớ đến mẹ mình. Mấy chục năm trước cũng trong bữa cơm như thế này,
chỉ khác là món ăn toàn cơm độn, nhìn lũ con háu đói mà lòng ngoại quặn thắt.
Mỗi lần các con hồn nhiên mời mẹ ăn cơm bao giờ bà ngoại cũng bảo: các con ăn
đi mẹ no rồi. Mãi sau này khi mẹ và cậu
đã lập gia đình, mẹ đã có chúng tôi, mẹ tôi mới hiểu, ngày xưa bà ngoại vẫn
thường nhường cơm cho mẹ, cậu và các dì tôi. Suốt một đận tháng ba dằng dặc,
chưa bữa cơm nào ngoại được no. Vì vậy trong mỗi dịp thanh minh, bao giờ khi ra
thắp hương trên mộ bà ngoại, mẹ tôi cũng khóc. Còn cậu thì giờ cũng tóc đã muối
tiêu, cứ vừa huơ tay nhổ mấy cây cỏ dại đang mọc lan trên nấm mộ bà ngoại vừa
xụt xịt. Thỉnh thoảng trong mỗi dịp con cháu về hội ngộ, mẹ tôi bần thần kể về
những tháng năm xưa cũ, lũ con cháu cứ im lặng lắng nghe như một thứ cổ tích
buồn thời hiện đại. Thằng cháu lớn tộc ngộc thậm chí còn hỏi rất hồn nhiên:
“Sắn gạc hươu là gì hả bà ? Thứ ấy cũng ăn được à ?” Những lúc như vậy mẹ tôi
thường không trả lời, mắt người nheo nheo, bao giờ bà cũng lấy tay xoa đầu đứa
cháu ngoại.
Tháng ba! Khi cây gạo già thắp lửa. Cũng trong mùa
hoa ấy, lũ chúng tôi rời làng, mỗi đứa phiêu bạt một phương trời. Cây gạo thuở
bọn trẻ rời làng giờ đã là cổ thụ, dấu thời gian đọng trên từng thớ vỏ, thân
cành đầy những vấu sùi. Bao nhiêu mưa nắng đã đi qua đời cây. Bao nhiêu cơn bão
đã thổi qua cánh đồng làng. Bao nhiêu thời gian đã đi qua phận người, trôi qua
kiếp tha hương của lũ trẻ làng tôi.
Tháng ba, mùa lễ
hội! Tôi - đứa trẻ làng năm ấy trở về tìm lại màu hoa gạo. Tìm lại trong ký ức
lời hứa còn bỏ ngỏ với người thôn nữ năm nao. Làng vẫn còn đó. Cây gạo già vẫn
nguyên màu hoa đỏ chói lòng nhưng người cũ nay đâu? Lòng người về ngậm ngùi như
độ tháng ba, như cánh đồng làng hanh hao, lặng lẽ ngày người bước chân ra đi.
Tháng ba mùa cũ đi mãi không về !
Đức Bá