Ông Đinh Thế Vững, Chủ nhiệm CLB thơ Đường Tam
Điệp cho biết: Câu lạc bộ Đường thi Tam Điệp ra mắt vào tháng 6/2016, hiện có
23 thành viên. Câu lạc bộ Đường thi trực thuộc câu lạc bộ thơ Việt Nam thành
phố Tam Điệp. Từ khi ra đời, Câu lạc bộ là mái nhà chung cho các nhà thơ Tam
Điệp gặp gỡ, giao lưu, xướng họa, nhân lên niềm yêu thích thơ Đường, tạo cho
cuộc sống thêm ý nghĩa, thi vị. Thông thường cứ vào ngày mùng 1 của tháng lẻ,
các thi hữu lại gặp nhau một lần cùng nhau thưởng trà, xướng họa thi văn.
Thơ Đường là một
thể thơ cổ có nguồn gốc từ thời nhà Đường ở Trung Hoa, hình thức thể loại thơ
này truyền qua Việt Nam qua ảnh hưởng của nền văn hóa Trung Hoa, gắn liền với
chế độ khoa cử Nho học phong kiến. Suốt trong một thời kỳ dài, các nhà Nho Việt
Nam chịu ảnh hưởng của lối thơ này và thường dùng thể thơ này để sáng tác. Về
sau chế độ khoa cử Nho học bị thay bằng nền giáo dục Quốc ngữ, vị thế của thơ
Đường không còn như xưa nhưng ảnh hưởng của nó đối với văn hóa Việt vẫn rất sâu
đậm. Nhiều người vẫn dùng thể thơ này sáng tác với ý nghĩa trân trọng một nét
văn hóa truyền thống, với một tấm lòng hoài cổ. Thú chơi thơ của các thi hữu
Câu lạc bộ Đường thi Tam Điệp hôm nay cũng không ngoài ý nghĩa đó. Với tấm lòng
yêu mến cổ thi, chỉ trong vòng 2 năm các
thi hữu Tam Điệp đã cho ra đời 6 tập Nguyệt san Đường thi với hàng trăm thi
phẩm, thuộc nhiều thể loại: thất ngôn bát cú (7 chữ, 8 câu), thất ngôn tứ tuyệt
(7 chữ, 4 câu), ngũ ngôn bát cú (5 chữ, 8 câu), ngũ ngôn tứ tuyệt (5 chữ 4
câu)...
Ông Đinh Thế Vững chia sẻ: Điểm khác biệt của
những người sáng tác thơ theo thể Đường Luật với những người sáng tác các thể
thơ khác là ở chỗ người chơi thơ Đường phải có một vốn kiến thức nhất định,
nhất là nắm vững các quy định về thể loại như: các quy định về niêm luật, cách
gieo vần, hình thức đối...Ngoài ra thơ Đường là một dạng cổ thi phương Đông, do
vậy rất chú trọng yếu tố tinh thần, tư tưởng. Người làm thơ Đường nắm về luật
thơ mà chưa lĩnh hội được yếu tố thần thái của thế giới quan thơ Đường là một
thiếu sót. Thơ Đường thường chú trọng “ý tại ngôn ngoại” (tức ý ở ngoài lời),
nhấn mạnh đến tính chất hàm súc, tính chất đa nghĩa của bài thơ, do vậy làm
được một bài thơ Đường đúng luật đã khó, làm được thơ hay càng khó khăn hơn bội
phần. Cũng vì lẽ đó mà số người thực sự am hiểu và yêu thích thơ Đường bao giờ
cũng có con số khiêm tốn, nhưng người chơi thơ Đường bao giờ cũng ít mà tinh.
Trong số 6 tập
Nguyệt san Đường Thi mà người viết được đọc, nhìn chung mỗi tác giả đều rất gia
công khi sáng tác. Phần nhiều các tác phẩm đều chuẩn về niêm luật, hình thức
đối, có nhiều tác giả đã vượt ra được tính khuôn sáo vốn có của thể loại để đạt
đến giá trị nghệ thuật nhất định. Bởi vậy các thi hữu tuy chỉ là hội viên của
một câu lạc bộ thơ quần chúng song có nhiều tác giả viết khá chắc tay. Khi đọc
đôi câu thơ:“Dải yếm tình xuân dỡn gió trời/ Lá răm thu mộng chạnh lòng tôi”
(Xuân đến, Bùi Trọng Loan) cứ ngỡ là “thủ bút” của một hội tao đàn nào đó, ít
người hình dung ra rằng đây lại là câu thơ của một tác giả là hội viên của một
câu lạc bộ thơ quần chúng.
Hay trong câu thơ vịnh cảnh sau đây tác giả Đinh Thế
Vững cũng đã bước đầu chạm được tới cái “thần” của câu chữ trong cổ thi:“Chuông
chiều điểm nhịp hồn thu đọng” (Vịnh chùa Hang). Lối miêu tả tiếng chuông chùa
như đọng hồn thu là một lối cảm nhận vừa sáng tạo vừa tinh tế. Tác giả Đinh Thế
Vững với lối cảm, cách nghĩ, thuật dùng chữ, đặt cầu gieo vần như thế nên đã có
nhiều câu thơ hay khi vịnh các danh lam thắng cảnh. Cảm nhận về cảnh sắc chùa
Bái Đính ông viết: “Nắng ngả chiều vàng trải thế gian/ Ba Rau ánh phật tỏa non
ngàn/ Hồ Đàm gợn nước lồng tăm biếc/ Bảo tháp in trời rợp bóng lam” (Chiều thu
chùa Bái Đính) hay khi thăm động Vân Trình thi sỹ cảm tác: “Mục đồng thổi sáo
lay rừng trúc/ Níu lại ngàn chân bước chẳng rời” (Vân Trình động cảnh). Cái hay
trong việc chơi thơ Đường là ở chỗ tác giả không chỉ có niềm vui trong việc tìm
thi tứ, tìm vần, tìm chữ cho bài thơ mà còn ở cái thú được chìm vào không gian
bảng lảng sương khói của cổ thi, được mơ màng với quá khứ, phiêu du trong tâm
tưởng:“Mơ màng mộng điệp, gà ai gáy/ Tỉnh dậy bồi hồi nhớ cố hương” (Thu về nhớ
quê, Huy Dần).
Đôi khi câu chữ chỉ là cái cớ để các thi hữu gửi gắm những tâm
tư, dãi bày những ẩn ức còn phong kín trong cõi lòng:“Ta ngồi dệt ảnh người
trong mộng/ Lòng nhớ về ai dạ ngẩn ngơ” (Tình đảo, Hồng Phi), hay khi làm thơ
cũng là cách di dưỡng tinh thần, chiêm nghiệm từng phút giây của cuộc sống,
cưỡng lại bước thời gian: “Tóc đã bạc rồi tuổi vẫn xuân/ Đôi ta đã vượt bước phong
trần” (Vẫn trẻ, Song Đào)...Trên đây chỉ là một trong số rất nhiều những câu
thơ hay mà trong khuôn khổ có hạn của bài viết tôi có thể kể ra làm ví dụ. Còn
rất nhiều bài thơ, câu thơ, các tác giả mà do điều kiện tư liệu có hạn, người
viết còn chưa giới thiệu hết được. Tuy nhiên có điểm rất chung là trong số hàng
trăm thi phẩm của 6 tập Nguyệt san mỗi tác giả đều cố gắng tạo cho mình một
cách cảm, lối nghĩ riêng, giàu cá tính. Do vậy 6 tập thơ tuy mỏng song khá giàu
sức nặng. Sức nặng bởi sự chiêm cảm, bởi những lớp lang cảm xúc, ưu tư trước
thế sự, nhân tình.
Như trên đã nói
Đường thi vốn là thể thơ có quy ước thể loại rất chặt chẽ về niêm, luật, đối do
vậy thường rất ít người chơi. Tính chất bác học ấy mặc nhiên quy định phàm là
những người chơi lối thơ này cũng phải là người có kiến văn sâu rộng, lịch lãm
hay chí ít cũng là người rất yêu mến cổ văn.
Đời sống hiện đại
vốn dĩ xô bồ, rất nhiều người có nhu cầu tĩnh dưỡng tinh thần, tìm kiếm sự bình
yên trong đời sống tâm tưởng, việc làm thơ Đường chính là một cách như thế. Các
thi phẩm Đường thi của các thi hữu Tam Điệp có giá trị đến đâu và đóng góp như
thế nào cho văn học, nghệ thuật thiết tưởng cũng chưa cần bàn quá sâu, bởi dù
sao đây cũng chỉ là sản phẩm của những người yêu thơ, chơi thơ ,hoàn toàn không
phải của các cây bút chuyên nghiệp. Tuy nhiên chỉ riêng việc nó làm nên niềm
vui, làm giàu có và thi vị thêm đời sống tinh thần của các thi hữu đã là một
việc rất đáng trân trọng. Vì lẽ đó, những câu lạc bộ như CLB thơ Đường Tam Điệp
rất cần được khuyến khích và nhân rộng.
Mai Phương