Chủ nhiệm
đề tài, thạc sỹ thú y Nguyễn Thị Dịu cho biết: Đề tài “ứng dụng kỹ thuật thụ
tinh nhân tạo giống bò BBB trên nền bò cái lai Sind để nâng cao năng suất, chất
lượng trong chăn nuôi bò thịt tại Ninh Bình” của Trung tâm được Sở Khoa học và
Công nghệ ghi nhận là đề tài nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ.
Được biết,
hiện tại, một số tỉnh, thành phố đã triển khai sử dụng tinh bò BBB để thụ tinh
nhân tạo cho bò cái nền lai Sind để tạo ra bê lai F1 (BBB x lai Sind) nâng cao
năng suất và chất lượng, thu được kết quả tốt và đang nhân ra diện rộng như:
Thành phố Hà Nội, Hưng Yên, Thái Nguyên, Thanh Hóa... Tại Ninh Bình, có 145 hộ
tham gia đề tài với số bò cái được bình tuyển đủ điều kiện tham gia đề tài là
166 con.
Ban chủ nhiệm đề tài đã chỉ đạo sát sao đội ngũ dẫn tinh viên ở các
huyện theo dõi chặt chẽ tình hình động dục của bò cái, sử dụng máy phát hiện
động dục để phát hiện chính xác thời điểm động dục tiến hành phối giống. Với
200 liều tinh giống BBB phối cho 120 con bò cái lai sind, đã có 107 con có chửa
(tỷ lệ đạt 89,16%).
Thông qua
đề tài, các hộ tham gia mô hình được đào tạo, tập huấn nghiệp vụ tiếp cận thông
tin về giống con nuôi mới cho năng suất cao, chất lượng tốt (bò BBB), nâng cao
kiến thức về kỹ thuật chăn nuôi và phòng trị bệnh cho bò.
Có 200 nông dân dự
các đợt tập huấn để nắm bắt tiêu chuẩn chọn bò cái phối tinh BBB, biện pháp kỹ
thuật chăm sóc, nuôi dưỡng bò cái hậu bị, bò cái mang thai, bò sinh sản khi phối
tinh BBB và kỹ thuật chăm sóc, nuôi dưỡng bê lai BBB.
Qua đó đã giúp người dân
chủ động cải tạo được giống, từng bước nâng cao chất lượng đàn bò, đem lại hiệu
quả kinh tế cao hơn.
Đặc biệt với kỹ thuật thụ tinh nhân tạo đã giúp cải thiện
khả năng di truyền, cho phép sử dụng rộng rãi những bò đực giống có năng suất
cao, có giá trị trên phạm vi rộng đến từng hộ chăn nuôi.
Với tính năng ưu việt
như hạn chế lây lan dịch bệnh, không du nhập bệnh mới nhờ hạn chế nhập bò đực
giống, việc theo dõi, ghi chép trong công tác quản lý giống được chính xác hơn,
tránh tình trạng đồng huyết, cận huyết, từ đó chất lượng đàn bò được cải thiện
rõ rệt.
Việc áp dụng rộng rãi kỹ thuật thụ tinh nhân tạo trên địa bàn tỉnh đã
mở ra một hướng phát triển mới trong chăn nuôi, phương pháp này không chỉ giúp
nâng cao về chất lượng mà số lượng đàn cũng tăng lên đáng kể.
Ông Đinh
Văn Khơi, khu phố 4, thị trấn Yên Ninh (Yên Khánh) chia sẻ, gia đình ông đã có
trên 10 năm kinh nghiệm nuôi bò nái, nhưng hơn 3 năm qua thực hiện sử dụng tinh
bò BBB lai với bò cái nền lai Sind tạo ra con lai có nhiều ưu điểm của giống bố
BBB (tầm vóc, tăng trọng, năng suất thịt) và thích nghi, tính thuần, phàm ăn ở
mẹ lai Sind. Bê lai BBB sinh ra có khối lượng sơ sinh bình quân cao hơn so với
bê lai sind. Bê lai có đặc tính phàm ăn (rơm rạ, cỏ voi, thân cây ngô, cám…), khả năng tăng trọng nhanh, sức đề kháng tốt,
ít cảm nhiễm bệnh.
Kết quả nghiệm thu đề tài ở các địa phương Tam
Điệp, Yên Mô, Yên Khánh, Gia Viễn và Nho Quan cho thấy, bình quân khối lượng
của bê lai F1 (BBB x lai Sind) sơ sinh đã đạt 30,5kg/con (vượt 5,5 kg), khối
lượng tăng trọng trong 18 tháng tuổi đạt 389 kg/con (vượt 39 kg).
Trao đổi
với các thành viên tham gia đề tài, chúng tôi được biết: Chương trình tạo ra
80-100 bê lai sơ sinh F1 với khối lượng trung bình lớn hơn hoặc bằng 25kg/con,
đồng thời theo dõi, đánh giá năng suất và hiệu quả đối với 30 bê lai F1 từ sơ
sinh đến 18 tháng tuổi.
Qua đó, hoàn thiện và đưa ra quy trình chọn lọc bò cái
nền lai Sind và kỹ thuật thụ tinh nhân tạo bằng tinh cọng rạ giống bò BBB trên
nền bò cái lai Sind.
Cùng với đó là hoàn thiện quy trình chăm sóc, nuôi dưỡng
bò cái lai sind nuôi sinh sản và quy trình chăm sóc nuôi dưỡng bê lai F1 từ sơ
sinh đến 18 tháng tuổi tại Ninh Bình. Các hộ dân tham gia được tiếp cận với
tiến bộ kỹ thuật mới trong chăn nuôi bò về công nghệ giống bằng việc thụ tinh
nhân tạo giống bò BBB góp phần cải tạo thành công đàn bò địa phương theo hướng
chuyên thịt, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế cho các hộ chăn nuôi trên địa
bàn tỉnh.
Lựa chọn
đối tượng vật nuôi phù hợp nhằm khai thác tối đa tiềm năng, thế mạnh về đất
đai, thổ nhưỡng, điều kiện tự nhiên của từng vùng để tạo lợi thế cạnh tranh sản
phẩm chăn nuôi. Trong đó, phát triển chăn nuôi bò thịt nói chung và chăn nuôi
bò thịt chất lượng cao nói riêng được đánh giá là có nhiều tiềm năng để phát
huy thế mạnh, góp phần nâng cao giá trị gia tăng, nâng cao hiệu quả kinh tế
nông nghiệp.
Hiệu quả đề tài khẳng định tính ưu việt của ưu thế lai khi sử dụng
tinh bò BBB lai với bò cái nền lai sind. Đến nay, mô hình đang được nhân nhanh
trên diện rộng, đã có 326 hộ dân ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào thực tiễn sản
xuất.
Bài, ảnh: Nguyễn Minh