So với các
địa phương khác trong cả nước, Ninh Bình được thiên nhiên ưu đãi nhiều cảnh
quan tự nhiên tươi đẹp cũng như những di sản văn hóa độc đáo để trở thành điểm
đến du lịch hấp dẫn. Trong số 975 di tích có gần 90 di tích được xếp hạng quốc
gia, nổi bật là quần thể Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới Tràng An; Vườn
quốc gia Cúc Phương, Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Vân Long, Nhà thờ đá
Phát Diệm...
Cùng với những danh lam thắng cảnh, Ninh Bình còn có nhiều làng
nghề truyền thống như làng nghề thêu ren Văn Lâm, làng nghề chạm khắc đá Ninh
Vân, các làng nghề chiếu cói Kim Sơn, làng nghề gốm Bồ Bát...
Theo thống
kê của các cơ quan chuyên môn, những năm gần đây Ninh Bình trở thành điểm đến
hấp dẫn của du khách trong và ngoài nước.
Nếu năm 2007, Ninh Bình đón 1 triệu
lượt du khách thì năm 2015 sau hơn 1 năm Quần thể danh thắng Tràng An được vinh
danh di sản thế giới Ninh Bình đã đón trên 6 triệu lượt du khách, đạt 1.360 tỷ
đồng, doanh thu du lịch và đến năm 2018 lượng du khách đến tham quan đạt trên
7,3 triệu lượt, doanh thu ước đạt 3.200 tỷ đồng, tăng 19,2% so với năm 2017; 10
tháng đầu năm, toàn tỉnh ước đón 6.845.747 lượt khách, đạt 92,28% so với kế
hoạch năm 2019, tăng 2,12% so với cùng kỳ năm 2018.
Trong đó: khách nội địa là
6.095.361 lượt khách, tăng 1,96% so với cùng kỳ năm 2018, khách quốc tế là
750.386 lượt khách, tăng 3,49% so với cùng kỳ năm 2018, khách lưu trú qua đêm:
567.204 lượt khách, tăng 1,37% so với cùng kỳ năm 2018. Doanh thu ước đạt:
3.200 tỷ đồng, tăng 13,25% so với cùng
kỳ năm 2018.
Tuy nhiên,
bên cạnh những lợi ích to lớn mang lại về nhiều mặt, sự phát triển nhanh chóng
số lượng du khách đến với Ninh Bình cũng có những ảnh hưởng tiêu cực đến môi
trường du lịch cũng như công tác bảo tồn di sản.
Do đó, từ năm 2001 đến nay,
Tỉnh ủy đã ban hành 3 nghị quyết về phát triển du lịch trong đó hết sức quan
tâm vấn đề bảo vệ môi trường cả về tự nhiên và văn hóa, xã hội.
Các nghị quyết
đã được các cấp, ngành, địa phương triển khai nghiêm túc, đồng bộ, đi vào cuộc
sống, tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động của các cấp ủy,
chính quyền, các tổ chức quần chúng và nhân dân trong tỉnh về công tác bảo tồn
và phát huy các giá trị di sản, nhất là nhân dân trong vùng di sản về bảo vệ
môi trường để phát triển du lịch bền vững.
Cùng với
đó, công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân đã được tỉnh đặc
biệt quan tâm với sự tham gia của các lực lượng trong xã hội bằng nhiều hình
thức phong phú.
Đồng thời, công tác quản lý Nhà nước về tài nguyên và bảo vệ môi
trường được tăng cường, trong đó đã làm tốt công tác quy hoạch, kế hoạch phát
triển các khu, tua, tuyến du lịch, các dự án, đề án bảo vệ môi trường. Hệ thống
thu gom, xử lý nước thải của thành phố Ninh Bình, xử lý nước thải tại các cơ sở
du lịch...
Việc thanh
tra, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm pháp luật có liên quan được quan tâm
thường xuyên. Do vậy, môi trường tại các khu du lịch trên địa bàn tỉnh cơ bản
được giữ gìn sạch đẹp, hệ động thực vật tại các khu, điểm du lịch nhìn chung
được bảo tồn, nguyên sơ, thậm chí được bổ sung, làm phong phú, đa dạng hơn. Rác
thải đều được thu gom kịp thời. Các cơ sở lưu trú cơ bản thực hiện tốt các quy
định về đảm bảo môi trường, xử lý nước thải.
Để du lịch
trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, phát triển bền vững, đảm bảo hài hòa giữa
sinh kế của người dân, tăng trưởng kinh tế với giảm thiểu tối đa tác động tiêu
cực tới môi trường, trong thời gian tới ngành du lịch cần đẩy mạnh tuyên
truyền, giáo dục, vận động kết hợp áp dụng các biện pháp hành chính, kinh tế để
nâng cao ý thức tự giác, chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường cho người
dân.
Tăng cường tập huấn, bồi dưỡng cho đội ngũ làm du lịch đồng thời xây dựng
các cơ sở, hệ thống thu gom và xử lý rác thải, nước thải tại khu dân cư, đô
thị, khu dịch vụ, du lịch. Xây dựng thêm các cơ sở, hệ thống thu gom và xử lý
rác thải, nước thải tại các khu vực đô thị, khu dân cư, khu dịch vụ, khu du
lịch...
Lãnh đạo
Ban quản lý Quần thể danh thắng Tràng An nhấn mạnh: Việc nâng cao nhận thức
trước hết phải bắt đầu từ lãnh đạo chính quyền cơ sở, lãnh đạo các đoàn thể và
những người có uy tín.
Cùng với đó, cần tăng cường phổ biến, tuyên truyền các
quy định hiện hành về bảo vệ tài nguyên tự nhiên, văn hóa truyền thống cho cộng
đồng. Muốn vậy, nên có cơ chế, chính sách phù hợp với đặc thù của địa phương để
một phần từ thu nhập du lịch sẽ được trích hỗ trợ cho cộng đồng và cho công tác
bảo vệ tài nguyên môi trường.
Tỉnh cũng cần tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa
cho người dân và doanh nghiệp tham gia vào hoạt động phát triển du lịch từ đó hạn
chế các tác động đến tài nguyên, môi trường, góp phần cho phát triển du lịch
bền vững ở Việt Nam nói chung và du lịch Ninh Bình nói riêng.
Nguyễn Thơm